Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát biển đảo

24/10/2012 04:00 GMT+7

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường lực lượng phi cơ vận tải quân sự và máy bay không người lái để kiểm soát biển đảo.

Vốn dĩ, hàng không là phương tiện vận chuyển quan trọng của đất liền đối với các vùng đảo xa bờ. Vì thế, theo tờ Defense News, Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường lực lượng máy bay vận tải quân sự để phát triển mạng lưới “kết nối” tới các khu vực biển Đông và Hoa Đông mà nước này đang có tranh chấp.

Máy bay đa nhiệm

Tờ Defense News trích báo cáo từ Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Nga cho hay Cục Thiết kế Antonov (Ukraine) đã giúp Trung Quốc phát triển máy bay Y-9 được trang bị 4 động cơ. Theo đó, đây sẽ là dòng máy bay vận tải đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc trong chiến lược vươn mình ra biển. Phát triển từ dòng máy bay Thiểm Tây Y-8F vốn được sao chép từ loại AN-12 của Nga, Y-9 là máy bay vận tải cỡ trung, tầm hoạt động khoảng 5.700 km, có 16 chỗ ngồi và đủ sức mang theo 20 tấn hàng hoặc chở trực thăng chiến đấu.

Bên cạnh đó, giống như Y-8F, phi cơ Y-9 cũng được phát triển theo xu hướng đa nhiệm: vận chuyển, do thám, cảnh báo sớm, tiếp nhiên liệu, tuần tra biển… Trung Quốc đang kỳ vọng loại máy bay này có thể sánh kịp dòng Lockheed Martin C-130J danh tiếng của quân đội Mỹ. Hiện nay, chưa có thông tin chính xác nào về số lượng Y-9 mà Bắc Kinh đang sở hữu. Tuy nhiên, một số trang mạng tiếng Hoa gần đây tung ra hình ảnh cho thấy loại máy bay này đã được đưa vào phục vụ trong không quân.

Thông tin trên được truyền đi giữa lúc Bắc Kinh đang tranh chấp biển đảo với nhiều bên trong khu vực. Vì thế, theo giới quan sát, Y-9 là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát biển đảo. Loại máy bay này có thể chở binh sĩ, trang thiết bị lẫn do thám và tuần tra biển. Cũng theo Defense News, Cục Antonov còn đang giúp Công ty công nghiệp máy bay Tây An (Trung Quốc) phát triển máy bay vận tải Y-20, được kỳ vọng mang nhiều đặc điểm giống máy bay vận tải quân sự cỡ lớn C-17 Globemaster III của Mỹ.

Đẩy mạnh UAV

Trong một diễn biến liên quan, Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai chương trình giám sát bờ biển bằng máy bay không người lái (UAV). Hồi tuần rồi, Tân Hoa xã đưa tin giới chức tỉnh Liêu Ninh vừa chọn hai địa điểm xây căn cứ đầu tiên cho UAV để giám sát các hoạt động ở vịnh Bột Hải và vùng Hoàng Hải. Hai trạm căn cứ này có thể giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, theo Đài tiếng nói nước Nga. Hồi tháng 8, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thông báo kế hoạch xây các căn cứ cho UAV trong 11 khu vực duyên hải nước này.

Trong khi đó, giới chuyên gia đang đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có phát triển UAV vũ trang để tấn công hay không. Theo chuyên gia Nga Denis Fedukinov, đến nay chưa thể khẳng định gì về điều này dù nhiều thông tin tiết lộ Trung Quốc đang chế tạo UAV do thám lẫn tấn công. Theo Đài tiếng nói nước Nga, Bắc Kinh hiện phát triển khoảng 30 chiếc UAV nhằm tăng cường sức mạnh không quân. Đài này dẫn lời ông Fedukinov phân tích: “Các kế hoạch tăng cường và nâng cấp trên của Trung Quốc sẽ khiến các nước láng giềng lo ngại”.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hàn Quốc

Ngày 23.10, hội thảo quốc tế chủ đề “Thực trạng vấn đề chủ quyền biển Đông và giải pháp” diễn ra ở Đại học Tổng hợp Chosun thuộc thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Tại hội thảo này, các đại biểu được nghe nhiều tham luận tập trung làm rõ những chứng cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở biển Đông.

Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc Trường đại học Chungwoon (Hàn Quốc) đã nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng theo giáo sư này, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tương tự, Giáo sư Ahn Kyong-hwan thuộc Đại học Chosun cho rằng về mặt lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ ràng là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả. Ngoài ra, tiến sĩ Isabel, Viện Giáo dục ngôn ngữ thuộc Đại học Chosun, cũng khẳng định rằng: Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu.

Từ sau thế kỷ 17, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục. Việt Nam cũng đã bảo đảm được danh phận và quyền lợi hợp pháp để đối phó với các ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo TTXVN

Quân đội Trung Quốc cải tổ nhân sự

Ngày 23.10, báo South China Morning Post dẫn một số nguồn tin cho hay Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa bắt đầu cải cách nhân sự cấp cao. Theo đó, cựu Phó tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên nhậm chức Tư lệnh Không quân, thay ông Hứa Kỳ Lượng, người được cho là sẽ trở thành Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ngoài ra, cựu Chính ủy Quân khu Quảng Châu Trương Dương giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị PLA, thay ông Lý Kế Nại về hưu. Cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương Vương Quán Trung và cựu Trợ lý Tổng tham mưu trưởng PLA Thích Kiến Quốc đều vừa được bổ nhiệm làm Phó tổng tham mưu trưởng.

Minh Trung

Văn Khoa

>> Triển lãm tranh từ đất liền ra biển đảo
>> Trung Quốc tăng cường kiểm soát bản đồ về lãnh thổ, biển đảo
>> Không để mất một tấc biển đảo
>> Lính thủy đánh bộ Philippines chuyển sang bảo vệ biển đảo
>> Hào hứng tiết học chủ quyền biển đảo
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Tranh chấp biển đảo có thể gây ra chiến tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.