Trung Quốc cấp tập xây đường băng tại Trường Sa

16/09/2015 08:42 GMT+7

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang leo thang xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang leo thang xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ảnh chụp vệ tinh ngày 3.9 cho thấy hoạt động bồi đắp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập - Ảnh: Reuters/CSIS
Mưu đồ của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông và biến quần đảo Trường Sa thành tiền đồn quân sự ngày càng lộ rõ, qua những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington (Mỹ) cung cấp.
Đường băng thứ ba
Bất chấp sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế, sau khi hoàn tất việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo phi pháp tại Đá Vành Khăn, Trung Quốc lại bắt đầu triển khai xây dựng tại đây. Công trình mới nhất là đường băng có chiều dài 3.000 m, theo CSIS. Hãng tin Reuters hôm 15.9 dẫn lời ông Greg Poling, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS, đưa ra kết luận trên sau khi phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 8.9.
Dựa trên chứng cứ mới, ông Poling cho hay Trung Quốc đã bồi đắp một vùng đất bằng phẳng hình chữ nhật với dãy tường chắn kéo dài khoảng 3.000 m tại Đá Vành Khăn. Tình hình tại đây diễn ra tương tự như ở 2 đường băng mà Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi. “Rõ ràng, cái mà chúng ta đang chứng kiến sẽ là một đường băng dài 3.000 m, và chúng tôi còn phát hiện một số công trình rõ ràng sẽ là những cầu cảng cho tàu bè”, ông Poling nói với Reuters.
Các chuyên gia an ninh nhận định rằng đường băng đang tượng hình trên Đá Vành Khăn có đủ chiều dài để làm bệ phóng cho hầu hết các dòng máy bay quân sự của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh mở rộng tầm kiểm soát ở khu vực. Chuyên gia Mỹ nhận định một khi hoàn tất, 3 đường băng tại Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc đe dọa mọi hoạt động hàng không trên những thực thể mà Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo một cách phi pháp trong thời gian qua. Tình hình càng đặc biệt đáng lo ngại nếu Trung Quốc lắp đặt các hệ thống phòng không tiên tiến tại đây.
Lầu Năm Góc ngày 14.9 đã yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay các hoạt động đơn phương và gây bất ổn tại Biển Đông như tiến hành bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo. “Ý định thực sự của Trung Quốc và việc tiếp tục xúc tiến xây dựng sẽ không giúp giảm căng thẳng hoặc mang lại giải pháp ngoại giao có hiệu quả”, theo AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban. Ông Urban cũng cho hay Washington sẽ tiếp tục theo sát tình hình Biển Đông.
Trả lời các câu hỏi xung quanh hoạt động xây dựng tại Đá Vành Khăn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 14.9 lặp lại luận điệu ngụy biện rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” tại quần đảo Trường Sa, và có quyền thiết lập bất cứ cơ sở hoặc căn cứ quân sự nào tại đây.
Theo chuyên gia Poling, hoạt động cải tạo với quy mô chưa từng có tại Trường Sa sẽ là vấn đề hàng đầu mà phía Mỹ sẽ đặt ra trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới tại Washington. “Nhiều cuộc thảo luận khó khăn đang chờ đợi ông Tập trong chuyến thăm Mỹ, và diễn biến mới càng làm tình hình trở nên bức bối hơn”, theo ông Poling.
Sóng ngầm tại DSEI 2015
An ninh Biển Đông cũng là đề tài trọng tâm tại sự kiện Triển lãm thiết bị và an ninh quốc phòng quốc tế (DSEI) năm 2015 đang diễn ra tại thủ đô London của Anh. Theo trang tin Defense One, tại cuộc hội thảo do Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tổ chức nhân cuộc triển lãm, Phó đô đốc Umio Otsuka, Hiệu trưởng Trường chỉ huy và tham mưu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật (JMSDF), cảnh báo sự thượng tôn pháp luật ở tây Thái Bình Dương đang bị những hành động của “một quốc gia nhất định” đe dọa.
Dù không trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc, ông Otsuka đã đề cập đến những hoạt động bồi đắp ở Biển Đông như là ví dụ cho thấy sự thượng tôn pháp luật đang lâm nguy. Trước tình hình đó, việc xây dựng “khả năng răn đe đáng tin cậy” đang ngày càng trở nên quan trọng. “JMSDF sẽ sở hữu khả năng răn đe đáng tin cậy đó và tìm kiếm một khuôn khổ đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đại diện của Nhật tuyên bố.
Phát biểu của ông Otsuka khiến Phó đô đốc Viên Dự Bách, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc, nóng mặt. Theo trang Defense News, ông Viên đã lớn giọng đưa ra những luận điệu ngụy biện khi đề cập đến “vấn đề mà vị Phó đô đốc Nhật vừa nói đến”. “Biển Nam Trung Hoa (tên gọi theo tiếng Anh của Biển Đông - NV), như tên gọi của nó thể hiện, là vùng biển thuộc về Trung Quốc”, ông Viên ngạo mạn tuyên bố. Tuy nhiên, luận điệu của viên Phó đô đốc Trung Quốc đã bị tạp chí Time bẻ gãy chỉ bằng một câu khi tường thuật về cuộc hội thảo: “Không biết Phó đô đốc Viên có cho rằng Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ hoặc vịnh Mexico thuộc về Mexico, chỉ vì tên gọi của chúng hay không”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.