Triều Tiên đẫm nước mắt ngày hội ngộ

28/09/2009 22:57 GMT+7

Mòn mỏi trông chờ ngày sum họp, hơn 800 người Triều Tiên cuối cùng đã đợi được đến ngày gặp lại thân nhân, nhưng còn hàng trăm ngàn người vẫn chưa có được may mắn đó.

Trong mấy ngày qua, núi Kim Cương thuộc CHDCND Triều Tiên biến thành biển nước mắt sau những cuộc hội ngộ của các gia đình bị chia cắt từ thời chiến tranh Triều Tiên. Sau gần 2 năm gián đoạn vì những bất đồng giữa 2 chính phủ, chương trình sum họp người thân đã được tái lập và kéo dài từ ngày 26.9 đến 1.10. Trong 6 ngày ngắn ngủi, 200 gia đình, phân nửa từ miền Bắc và số còn lại từ miền Nam, đã có thể hoàn thành tâm nguyện cả đời là gặp lại người thân lần chót trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Bi kịch thế hệ

Dù mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng những người có cơ hội gặp nhau tại núi Kim Cương vào cuối tháng 9 đều chia sẻ một khuôn mẫu thảm kịch. Cha mẹ, vợ chồng, anh chị em lạc mất nhau trong chiến tranh Triều Tiên, người sống ở miền Bắc, người mắc kẹt ở miền Nam, cùng ngóng chờ tin tức người thân sau hơn nửa thế kỷ chia lìa. Khi gặp lại, ai nấy đều đã già, lưng còng, tóc bạc, da mồi, miệng móm mém thổn thức không nên lời.

Cụ Jeong Dae-chun ở miền Nam, 95 tuổi, nắm chặt đôi bàn tay đen sạm, gầy guộc, run rẩy của con trai út Jeong Wan-shik, 68 tuổi, cư dân của miền Bắc. Xa cách nhau 60 năm, ngày gặp lại người cha cứ khóc ròng. “Làm sao mà con còn yếu hơn cha nữa hả con? Chắc con lo lắng đến phát bệnh khi tìm người cha mất tích này”, báo Dong-A Ilbo dẫn lời ông Jeong Dae-chun. Cụ già còn khóc thảm hơn khi người con dùng hết can đảm để nói với cha rằng toàn bộ gia đình của họ ở miền Bắc đã qua đời hết. Dù như vậy, ông Jeong Dae-chun cũng đã thỏa ước nguyện cuối cùng là gặp lại được núm ruột thất lạc từ lâu trước khi nhắm mắt. Là một thương gia luôn phải di chuyển giữa thị trấn quê nhà tại Pyongsan, tỉnh Hwanghae (ngày nay thuộc miền Bắc) và Seoul, cụ Jeong đã mắc kẹt ở miền Nam khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Con trai của ông ở Hàn Quốc, Jeong Tae-geun, 48 tuổi, cho hay cha của mình luôn bày tỏ ước nguyện được gặp lại gia đình cũ gồm con gái và 2 con trai ở miền Bắc. Ông đăng ký chương trình đoàn tụ trong 10 năm qua và đến khi dùng lại tên cũ Jeong Dae-chun trước đây, phía CHDCND Triều Tiên mới có thông tin phản hồi cho ông.

Chương trình sum họp thân nhân đã được thực hiện thường xuyên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000 (trước khi tạm hoãn vào năm 2007). Kể từ đó, hơn 16.000 người ở cả 2 miền đã được gặp gỡ người thân, trong khi 3.200 người gặp nhau qua truyền hình. Ước tính có đến 600.000 người tại Hàn Quốc có thân nhân tại CHDCND Triều Tiên. Chương trình hội ngộ lần này được chia làm 2 giai đoạn: từ 26 - 28.9 và từ 29.9 - 1.10. Trong giai đoạn đầu, 97 người miền Nam đến núi Kim Cương sum họp với 228 thân nhân ở miền Bắc và đến giai đoạn 2, 449 người miền Nam gặp gỡ 99 người miền Bắc. Do giữa 2 miền không hề tồn tại các dịch vụ thư tín hoặc điện thoại, chương trình sum họp trên là hy vọng duy nhất giúp những gia đình bị chia cắt có thể tìm thấy nhau.

Ở một góc phòng khác, ông Lee Kwae-seok, 79 tuổi, tù nhân chiến tranh ở miền Bắc, ngậm ngùi ôm lấy người em Lee Jeong-ho, 76 tuổi, và Lee

Jeong-su, 69 tuổi. Theo thông tấn xã Yonhap, ông Kwae-seok mất tích vào năm 1950, thời điểm nổ ra chiến tranh Triều Tiên, sau khi bị kéo vào quân đội miền Nam. Đến năm 1952, Jeong-ho tình nguyện gia nhập quân đội với hy vọng tìm thấy được anh mình. Sau 12 năm trong quân ngũ, người em chỉ chịu giải ngũ khi nhận được tin rằng anh Kwae-seok đã chết. Hoàn cảnh trên gợi nhớ đến bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc là Taegukgi, kể về một người đã tham gia chiến đấu chỉ với mục tiêu duy nhất là tìm cho được đứa em trai buộc phải khoác áo lính và bị cuốn vào vòng chiến tranh. Trong đời thực, dù được tin anh chết, gia đình Jeong-ho tại Hàn Quốc vẫn đăng ký tham gia chương trình sum họp người thân với hy vọng cuối cùng sẽ tìm được người anh cả. Mắt Kwae-seok đầm đìa lệ khi ông từ chối chai rượu đặc biệt của 2 em mang từ miền Nam, thay vào đó đề nghị họ hãy dùng chính chai rượu đó tế trước phần mộ của cha mẹ đã khuất vào ngày lễ Chuseok, ngày Tạ ơn của người Triều Tiên.

Nỗi đau chồng chất

Không thể dùng lời nào để diễn tả được nỗi thống khổ của những gia đình vừa được gặp nhau vài ngày ngắn ngủi trước khi bị chia cắt một lần nữa. Sau khi đổ bao dòng lệ mừng vui ngày hội ngộ và chia sẻ nỗi niềm sau bao năm tháng xa cách, những cụ ông cụ bà lại một lần nữa run rẩy trước giờ phút chia tay vào hôm 28.9. Đối với hầu hết người thuộc nhóm 1, với 9 người trên 90 tuổi và 52 người trên 80 tuổi, đây có thể là lần gặp gỡ sau cùng. Họ chẳng thể trông đợi gì hơn trong lúc bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt và 2 miền Bắc - Nam vẫn chưa tìm được sự hòa hợp. Điều duy nhất mà những người này có thể làm được là tiếp tục hy vọng về một tương lai thống nhất để có thể chấm dứt sự chịu đựng kéo dài bao năm.

Theo Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ít nhất 800.000 gia đình đã bị chiến tranh làm cho tan nát và tính từ năm 1985 đến nay có khoảng 127.000 người đăng ký chương trình đoàn tụ thân nhân, nhưng chỉ một số nhỏ hoàn thành được tâm nguyện. Trước tình trạng có đến 80% người đăng ký lớn hơn 70 tuổi, vấn đề cấp bách được đặt ra đối với Seoul và Bình Nhưỡng hiện nay là làm sao tổ chức được những chương trình đoàn tụ thường xuyên hơn để phần nào hàn gắn vết thương cho những gia đình bất hạnh trước khi quá trễ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.