Triều Tiên bắt đầu 'kỷ nguyên mới'

18/12/2014 06:00 GMT+7

Lễ tưởng niệm lần thứ ba ngày mất của lãnh đạo Kim Jong-il được đánh giá là cho thấy nhiều điểm mới đáng chú ý ở CHDCND Triều Tiên.

Lễ tưởng niệm lần thứ ba ngày mất của lãnh đạo Kim Jong-il được đánh giá là cho thấy nhiều điểm mới đáng chú ý ở CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên bắt đầu 'kỷ nguyên mới'Người dân Triều Tiên đến viếng lãnh đạo Kim Jong-il - Ảnh: Reuters
Ngày 17.12, bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng chục ngàn người CHDCND Triều Tiên đã tập trung trước Cung điện Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng để viếng và đặt hoa trước tượng đồng của lãnh đạo Kim Jong-il nhân tưởng niệm 3 năm ngày mất của ông (17.12.2011).
Theo Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên, lễ tưởng niệm trọng thể dành cho nhà lãnh đạo được nhân dân Triều Tiên gọi là lãnh tụ kính yêu này do đương kim lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì, với sự tham dự của toàn bộ các quan chức cấp cao cũng như phái đoàn một số nước.
Đáng chú ý là Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, không cử phái đoàn sang tham dự như 2 lần trước, trong khi đại diện của đảng Liên minh chính trị mới vì dân chủ Hàn Quốc là ông Park Jie-won lại có mặt.
Ngày 17.12, tờ South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương xác nhận Trung Quốc không nhận được lời mời nào và nói thêm rằng “Trung Quốc tôn trọng quyết định của CHDCND Triều Tiên”.
Giới quan sát nhận định diễn biến này là bằng chứng mới nhất cho thấy quan hệ Trung - Triều đang trắc trở. Điều này được cho là xuất phát từ chính sách mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nhiều mặt cũng như chủ động hơn trong quan hệ với bên ngoài.
Theo Reuters, từ khi lên cầm quyền năm 2011 đến nay, ông Kim bị cho là có nhiều quyết định khiến Bắc Kinh không hài lòng, như thử hạt nhân bất chấp cảnh báo của đồng minh cũng như xử tử người dượng Jang Song-thaek, vốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Hồi tháng 10, truyền thông Triều Tiên không đăng bất cứ tin bài gì liên quan đến kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, theo Đài Radiopress ở Nhật Bản.
Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo ngày 2.12 dẫn lời cựu Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh Vương Hồng Quang tuyên bố: “Trung Quốc không phải là cứu tinh. Nếu Triều Tiên sụp đổ thì ngay cả Trung Quốc cũng không thể cứu”.
Trong lúc đang được cho là không êm đẹp với Trung Quốc thì Triều Tiên lại tăng cường hợp tác với Nga. Vào tháng 11, Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao sang Moscow và 2 bên đã ký nhiều thỏa thuận về kinh tế và quốc phòng.
Đến hôm qua, tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Nga đã mời ông Kim Jong-un sang thăm nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vào tháng 5.2015. Nếu nhận lời, đây có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Kim kể từ khi lên cầm quyền trong khi ông vẫn chưa thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa đến Triều Tiên dù đã thăm Hàn Quốc hồi tháng 7.
Mặt khác, theo giới chuyên gia, những diễn biến trên cũng như các thay đổi nhân sự liên tục gần đây trong hàng ngũ lãnh đạo Triều Tiên cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un đã sẵn sàng cho thời kỳ cầm quyền mới sau khi kết thúc 3 năm để tang chính thức dành cho cha mình.
Yonhap dẫn lời một số chuyên gia ở Seoul nhận định có thể sắp tới, thế giới sẽ chứng kiến nhiều chính sách mới ở Triều Tiên về chính trị lẫn kinh tế. Ngày 17.12, tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên cũng đăng bài xã luận viết rằng kỷ nguyên mới ở nước này đã bắt đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.