Tranh chấp chủ quyền tại Địa Trung Hải: Căng thẳng vì dầu

14/02/2012 03:09 GMT+7

Quan hệ giữa các nước đông Địa Trung Hải vốn khá căng thẳng nay lại thêm phức tạp khi các báo cáo về tiềm năng dầu khí được công bố.


Tàu chiến Israel hoạt động tại Địa Trung Hải  - Ảnh: Epoch Times

Ngoài 2 mỏ khí đốt khổng lồ Tamar và Leviathan được phát hiện ngoài khơi thành phố cảng Haifa, phía bắc Israel, Địa Trung Hải còn nhiều “kho báu” đáng giá khác. Theo Đài phát thanh France International, từ năm 2001 Li Băng đã tiến hành thăm dò địa chất quanh lãnh hải của mình.

Các mẫu phân tích vào năm 2002 và 2006 của 2 hãng Spectrum và Petroleum GeoServices cho thấy ngoài khơi nước này có quặng vỉa nhiên liệu hóa thạch. Một báo cáo khác do Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) công bố ước tính trữ lượng nhiên liệu của vùng biển nói trên khoảng 608 triệu thùng dầu và trên dưới 1 tỉ thùng khí đốt thiên nhiên ở dạng lỏng.

Nhập nhằng phân chia vùng biển

Đây là nguồn lợi mà không nước nào có thể làm ngơ, đặc biệt khi cả 2 mỏ Tamar, Leviathan lẫn khu vực được nhắc đến trong báo cáo của USGS đều thuộc vùng biển đang tranh chấp của ít nhất 3 nước: Israel, Li Băng và CH Síp. Ngay cả nước không liên quan trực tiếp là Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngỏ ý “dòm ngó”, thể hiện qua một số căng thẳng ngoại giao với CH Síp vào tháng 9.2011.

Trở lại với “bộ ba” của vùng biển tranh chấp, vấn đề không quá phức tạp đối với CH Síp khi nước này có quan hệ ngoại giao khá ổn định với 2 nước còn lại. Nhưng việc phân chia quyền thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí đầy tiềm năng nói trên lại đang rơi vào ngõ cụt đối với Israel và Li Băng, vốn là thù địch của nhau từ hơn nửa thế kỷ qua. Giữa 2 nước từng xảy ra giao tranh vào tháng 7.2006, dù đã ngừng bắn 1 tháng sau đó nhưng đến nay vẫn chưa có hiệp ước hòa bình nào chính thức được ký kết. Những năm gần đây, tình hình cũng không mấy cải thiện, đặc biệt khi liên minh cầm quyền hiện nay tại Li Băng có đại diện của lực lượng Hezbollah và lại ủng hộ Iran và Syria.

Ngay sau khi có kết quả khoan thăm dò và giám định địa chất, Li Băng và Israel đều nhanh chóng thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để trình lên LHQ, dù mới chỉ có Beirut từng thông qua Công ước LHQ về luật Biển 1982. Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, 2 vùng EEZ này không hề “khớp” mà liên tục chồng chéo lên nhau.

Trên thực tế, Địa Trung Hải là vùng biển gần như khép kín (chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất là Gibralta) và có diện tích khá khiêm tốn nhưng lại được bao quanh bởi nhiều quốc gia của cả châu Âu, châu Phi và châu Á. Trước đây, khi chưa có các vấn đề về quan hệ ngoại giao, việc xác định lãnh hải hoặc EEZ của các nước hầu hết dựa trên đàm phán. Cụ thể, có 33 đường biên giới tại Địa Trung Hải được thiết lập nhờ giải pháp ngoại giao, theo trang tin Rue 89. Vì thế, khi Tel Aviv và Beirut không ai nhường ai, thi nhau lập EEZ thì theo đánh giá của đại diện LHQ tại Li Băng Michael Williams, ngay cả LHQ cũng khó tìm ra biện pháp giải quyết rốt ráo.

Bước ngoặt quan trọng

Tờ Le Monde dẫn lời Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu cảnh báo: “Những nguồn tài nguyên này là mục tiêu chiến lược mà các thế lực thù địch muốn xâm phạm. Tôi khẳng định Israel sẽ bảo vệ quyền lợi của mình”. Không kém cạnh, Bộ trưởng Năng lượng Li Băng Gebrane Bassil cũng tuyên bố: “Không người dân Li Băng nào chấp nhận từ bỏ tài nguyên và quyền lợi về lãnh hải”. Cả 2 nước này đều thể hiện quyết tâm “tiến chứ không lùi” vì trữ lượng dầu khí đã hoặc sẽ được thăm dò, khai thác đóng vai trò rất quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Chưa tính một số mỏ khí đốt khác được phát hiện vào giữa năm 2011, chỉ riêng 2 mỏ Tamar và Leviathan đã có tổng trữ lượng gần 700 triệu m3. Nhờ đó, Israel có thể yên tâm tự chủ về năng lượng trong vài thập niên tới. Đây thật sự là một bước ngoặt lớn đối với nước này khi Tel Aviv lần đầu tiên có thể nhắm đến việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu hoặc Đông Á. Lợi nhuận thu được sẽ là điều kiện cho phát triển bền vững của Israel trong giai đoạn kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Không chỉ thế, Israel sẽ không còn phụ thuộc Ai Cập về năng lượng. Cho đến nay, Cairo cung cấp 43% nhu cầu khí đốt cho đối tác. Sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ cách đây 1 năm, các vụ tấn công vào đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước rất thường xuyên xảy ra trong khi nguồn nguyên liệu này được dùng để sản xuất 40% sản lượng điện tại Israel. Trước một chính quyền mới chưa thực sự ổn định tại Cairo mà lại vừa tuyên bố muốn điều tra về nghi vấn tham nhũng trong các hợp đồng dầu khí với Israel, Tel Aviv đang vất vả tìm đối tác thay thế thì tin vui về các công trình thăm dò dầu khí liên tục được công bố.

Về phần Li Băng, nước này cũng đang muốn nhanh chóng tiến hành khai thác dầu khí để bù đắp vào khoản nợ công 52 tỉ USD, tương đương 147% GDP. Beirut đã thông báo sẽ cho đấu thầu thăm dò và khai thác các mỏ nhiên liệu hóa thạch tại các vùng biển của nước này trong năm 2012. Tuy nhiên, nếu 2 nước không giải quyết ổn thỏa những bất đồng hiện tại thì sẽ rất khó thuyết phục các nhà đầu tư chịu bỏ những khoản tiền lớn vào một vùng biển còn quá nhiều sóng gió.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.