Tổng thống Mỹ từng dùng những chuyên cơ nào?

01/02/2015 12:20 GMT+7

(TNO) Từ Thế chiến 2, người Mỹ đã bắt đầu chọn những chuyên cơ đặc biệt dành cho tổng thống. Có 6 loại máy bay từng được sử dụng làm chuyên cơ, trong đó có cả máy bay ném bom.

(TNO) Từ Thế chiến 2, người Mỹ đã bắt đầu chọn những chuyên cơ đặc biệt dành cho tổng thống. Có 6 loại máy bay từng được sử dụng làm chuyên cơ, trong đó có cả máy bay ném bom, theo tờ Time.

Chiếc C-87A của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt - Ảnh chụp màn hình New York Daily News
Chuyên cơ chở tổng thống Mỹ còn có tên khác là ‘Air Force One - Không lực số một’. Chúng được trang bị hệ thống làm nhiễu điện từ để ngăn chặn các cuộc tấn công và làm chệch hướng các tên lửa tầm nhiệt. 

Không quân Mỹ ngày 28.1 cho biết sẽ sử dụng máy bay Boeing 747-8 để thay thế phi đội chuyên cơ Air Force One hiện nay của tổng thống Mỹ. 

Theo Reuters, chi tiết về hợp đồng mới, bao gồm giá cả và thời hạn giao máy bay, giữa Boeing và không quân Mỹ chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, không quân Mỹ hồi năm ngoái từng tiết lộ đã dành 1,65 tỉ USD trong giai đoạn 2015 - 2019 để mua 2 máy bay mới thay thế.

Chuyên cơ đầu tiên là chiếc C-87A dành cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt vào năm 1943. C-87A là một máy bay ném bom hạng nặng được thiết kế cho không quân Mỹ trong Thế chiến 2 (1939 -1945).
Tuy nhiên sau khi C-87A gặp một tai nạn bí ẩn, Mỹ đã thay bằng chiếc Douglas C-54 Skymaster vào năm 1945. Nó có bốn động cơ và là máy bay vận tải quân sự chủ lực của Mỹ trong Thế chiến 2 và Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
C-54 dài gần 29 m, sải cánh 36 m, cao hơn 8 m và có thể bay với vận tốc 443 km/giờ. Trọng lượng cất cánh tối đa là 33 tấn với trần bay 6,8 km. Sau khi cải biến thành chuyên cơ tổng thống, C-54 được trang bị thêm một điện thoại vô tuyến và thang máy dành cho xe lăn của Tổng thống Roosevelt. Ông đặt tên cho chuyên cơ của mình là Sacred Cow (Bò thiêng).
Đến năm 1947, dưới thời Tổng thống Harry S. Truman, Mỹ đã thay C-54 bằng chiếc Douglas DC-6, một máy bay vận tải quân sự được Mỹ thiết kế vào giao đoạn cuối Thế chiến 2.
Máy bay Douglas C-54 - Ảnh: Reuters
Máy bay Douglas DC-6 - Ảnh chụp màn hình từ Time
DC-6 dài 30 m, cao hơn 8 m và có sải cánh gần 36 m. Được trang bị 4 động cơ cánh quạt mạnh mẽ, DC-6 có thể bay với vận tốc 500 km/giờ và cất cánh với trọng lượng tối đa hơn 44 tấn. Tổng thống Harry S. Truman đặt biệt danh cho chuyên cơ của ông là Independence (Độc Lập).
Chuyên cơ DC-6 chỉ được dùng đến năm 1953 và được thay bằng chiếc C-121. Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Dwight D. Eisenhower đã đặt biệt danh cho nó là Columbine II.
Chiếc C-121 - Ảnh chụp màn hình từ Time 
C-121 có chiều dài lẫn độ cao đều nhỏ hơn DC-6 khoảng 1 m nhưng sải cánh lại rộng hơn khoảng 1,5 m. Trong lượng cất cánh tối đa 48,5 tấn và có thể bay với vận tốc 537 km/giờ.
Không lâu sau đó vào năm 1958, Mỹ lại đổi chuyên cơ tổng thống một lần nữa. Máy bay thay C-121 là chiếc Boeing 707, chuyên cơ tổng thống đầu tiên được gọi là ‘Không lực số một’.
Boeing 707 cất cánh - Ảnh: AFP
Boeing 707 là máy bay phản lực bốn động cơ, có chiều dài 39 m, sải cánh 39,6 m và sỡ hữu nhiều điểm vượt trội so với các chuyên cơ trước. Nó có thể cất cánh với tổng trọng lượng hơn 86 tấn, trong khi C-121 - máy bay có khả năng cất cánh với trọng lượng nặng nhất trong các chuyên cơ trước đó - chỉ là 48,5 tấn. Boeing 707 cũng bay nhanh hơn với vận tốc 885 km/giờ, trong khi C-121 là 537 km/giờ.
Đến năm 1990, ‘Không lực số một’ được thay thế và sử dụng đến tận bây giờ, đó là chiếc Boeing 747-200B. Nó là máy bay phản lực dân dụng thương mại cỡ lớn thân rộng đầu tiên được sản xuất. Kích thước Boeing 747 gấp khoảng hơn 2 lần Boeing 707.
Chuyên cơ Boeing 747-200B  - Ảnh: AFP
Boeing 747-200B dài khoảng 70 m, cao gần 20 m, sải cánh 60 m và có trần bay 13,7 km. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 1.015 km/giờ và bay liên tục 12.550 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Hai chiếc Boeing 747-200B hiện tại được không quân Mỹ dùng làm chuyên cơ cho tổng thống từ năm 1990 và sẽ hết hạn vào năm 2017.
‘Không lực số một’ sắp tới của Mỹ sẽ là chiếc Boeing 747-8. Đây là phiên bản thế hệ thứ tư của dòng Boeing 747 với thân máy bay kéo dài, đôi cánh được thiết kế lại để cải thiện tính hiệu quả.
Máy bay Boeing 747-8 - Ảnh: AFP
Boeing 747-8 dài 76,4 m, cao 19,5 m và có sải cánh hơn 68 m. Với kích thước này, nó là máy bay thương mại lớn nhất từng được sản xuất tại Mỹ và là máy bay vận tải hành khách dài nhất thế giới. Trọng lượng tối đa khi cất cánh khoảng 440 tấn và có thể bay với vận tốc hơn 922 km/giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.