Tổng biên tập Charlie Hebdo thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Paris

08/01/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Danh tính của 5 trong số 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát tại văn phòng tạp chí trào phúng Charlie Hebdo tại Paris đã được xác định, trong đó có Tổng biên tập Charlie Hebdo, Stephane Charbonnier.

(TNO)  Danh tính của 5 trong số 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát  tại văn phòng tạp chí trào phúng Charlie Hebdo tại Paris đã được xác định, trong đó có Tổng biên tập Charlie Hebdo, Stephane Charbonnier.

>> Thảm sát giữa Paris, ít nhất 12 người chết

Một người đàn ông bị thương được đưa đi cấp cứu trước trụ sở tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, Pháp - Ảnh: AFP
Vụ thảm sát xảy ra ở Paris vào lúc 11 giờ 30 (khoảng 18 giờ 30 Việt Nam) và danh tính của 5 nạn nhân được công bố không lâu sau đó.
5 nạn nhân bao gồm: Tổng biên tập Stephane Charbonnier và 3 người chuyên vẽ tranh biếm họa là Jean Cabut, Georges Wolinski và Bernard Verlhac. Nạn nhân thứ năm là ông Bernard Maris, 68 tuổi, một nhà văn, nhà kinh tế học và là cây bút viết bài cho tạp chí, theo AFP.

Tổng biên tập Stephane Charbonnier – còn được biết với bút danh Charb – sinh năm 1967, từng làm việc cho nhiều tờ báo khác nhau của Pháp. Bản thân ông cũng là họa sĩ vẽ tranh biếm họa.
Tổng biên tập Stephane Charbonnier (trái) và họa sĩ Jean Cabut (phải) – Ảnh: AFP
Ông Charbonnier giữ chức Tổng biên tập Charlie Hebdo từ năm 2009 đến khi bị giết. Tạp chí Charlie Hebdo thành lập năm 1969, xuất bản mỗi tuần một kỳ vào ngày thứ tư với nội dung chủ yếu là tranh biếm họa, truyện cười và tin tức. Số lượng phát hành của Charlie Hebdo khoảng 45.000 bản/kỳ.  

Đến nay, các nhà chức trách vẫn chưa chính thức tiết lộ thông tin gì về động cơ vụ thảm sát. Truyền thông Pháp dẫn lời một thành viên xin giấu tên của tạp chí cho biết ông và đồng nghiệp từng nhân rất nhiều email và điện thoại đe dọa nhưng đều không dẫn đến hậu quả gì quá nghiêm trọng.
Những lời đe dọa khiến trụ sở của tạp chí và tổng biên tập luôn được cảnh sát bảo vệ; tuy nhiên, những kẻ tấn công đã dùng súng máy AK để thực hiện tội ác và giết chết 12 người, trong đó có 2 cảnh sát.
Họa sĩ Bernard Verlhac (trái) và Georges Wolinski (phải) - Ảnh: AFP

Vụ tấn công đã khiến nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch phải tăng cường an ninh. Tờ này từng gây nên làn sóng phản đối châu Âu ở nhiều nước Trung Đông, châu Á và châu Phi hồi năm 2005 vì đăng ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed của Hồi giáo. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Nga, Đức đã lên án vụ tấn công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.