Tin tặc đã đánh cắp những thông tin có thể do thám Mỹ

27/06/2015 16:54 GMT+7

(TNO) Những tin tặc tấn công mạng Cơ quan quản lý nhân sự Mỹ (OPM) hồi đầu năm nay đã lấy được những thông tin nhạy cảm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, có thể dùng để do thám nước Mỹ.

(TNO) Những tin tặc đã tấn công Cơ quan quản lý nhân sự Mỹ (OPM) hồi đầu năm nay đã lấy được những thông tin nhạy cảm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, có thể dùng để do thám nước Mỹ.

Vụ tin tặc đánh cắp thông tin tại OPM khiến nước Mỹ đau đầu. Trong ảnh, Tổng giám đốc OPM Katherine Archuleta (bìa trái) điều trần trước Hạ viện Mỹ về vụ  việc - Ảnh: Reuters
Báo Daily Beast dẫn một nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết những kẻ tấn công đã đánh cắp được những thông tin bí mật và rất riêng tư của nhân viên liên bang hiện nay cũng như đã nghỉ việc, do các nhà điều tra thu thập được trong quá trình kiểm tra an ninh nhân thân những ứng viên và nhà thầu muốn làm việc cho chính quyền liên bang.
Những thông tin này còn chi tiết hơn nhiều so với quy trình kiểm tra an ninh bình thường đối với nhân viên chính phủ, được gọi là SF 86. Hồi đầu tháng này, chính quyền Mỹ đã thừa nhận các thông tin trong bảng kê khai SF 86 đã bị đánh cắp, gây chấn động dư luận.
Nhưng đến nay, nguồn tin kể trên cho biết thiệt hại còn nhiều hơn thế, các dữ liệu bị đánh cắp bao gồm cả "thông tin phân xử", bao gồm kết quả các cuộc kiểm tra nói dối với nhân viên liên bang, tiết lộ những thông tin cực kỳ riêng tư, nhạy cảm. Được biết chủ đề của các cuộc kiểm tra này có thể là các rắc rối, vi phạm trong hôn nhân, sử dụng rượu, ma túy, bài bạc...
Chẳng hạn các thông tin bị lộ bao gồm một người bị cấp trên khiển trách vì xem phim ảnh khiêu dâm bằng máy tính công sở, hay trường hợp một người khác ngoại tình với bạn của vợ... Một số người khác thì nợ nần chồng chất, đơn cử có người nợ đến 1,8 triệu USD.
Vụ tin tặc làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Thông thường, bất kỳ "thông tin phân xử" nào được công bố đều được giấu tên, nhưng thứ mà tin tặc đánh cắp được là các thông tin chưa được xử lý, khiến những kẻ tấn công có thể dễ dàng biết tường tận hồ sơ cá nhân của từng người và sử dụng theo ý đồ của họ.
Nếu việc đánh cắp "thông tin phân xử" được xác nhận, đây là thiệt hại vô cùng nguy hiểm cho đông đảo nhân viên chính phủ nói riêng và cho cả nước Mỹ nói chung. Chẳng hạn những kẻ tấn công có thể dùng hoặc bán những thông tin này cho bên thứ ba, từ đó tống tiền các nhân viên chính phủ hoặc dùng nó để lôi kéo họ vào các hoạt động gián điệp chống nước Mỹ.
Báo Daily Beast dẫn lời một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét thiệt hại từ vụ OPM còn tệ hơn cả vụ WikiLeaks, khi các tài liệu ngoại giao tuyệt mật của Mỹ bị đánh cắp và công bố, gây chấn động trên toàn thế giới.
Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đứng sau vụ tấn công này, còn phía Trung Quốc thì bác bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.