Thái Lan từ chối tàu chở 300 người nhập cư

14/05/2015 20:06 GMT+7

(TNO) Ngày 14.5, Thái Lan phát hiện một con tàu chở 300 người nhập cư trôi dạt trên vùng biển nước này nhưng không cho phép những người này vào đất liền mà chỉ cung cấp thức ăn và nước uống cho họ.

(TNO) Ngày 14.5, Thái Lan phát hiện một con tàu chở 300 người nhập cư đang trôi dạt trên vùng biển nước này nhưng không cho phép những người này vào đất liền, mà chỉ cung cấp thức ăn và nước uống cho họ, theo Reuters.

Những người nhập cư trên tàu được tìm thấy tại ngoài khơi bờ biển Thái Lan ngày 14.5
 - Ảnh: AFP
Con tàu nói trên được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Thái Lan, cách đảo Koh Lipe khoảng 17 km. Cảnh sát khu vực cho biết đã cung cấp đồ ăn và nước uống cho khoảng 300 người nhập cư trên tàu, tuy nhiên không cho phép những người này lên đất liền.
Theo ghi nhận của phóng viên AFP tại hiện trường, trong số những người có mặt trên tàu, nhiều người trông ốm yếu, và có rất nhiều trẻ em. Một người nhập cư cho biết họ có 300 người, đã lênh đênh trên biển suốt 2 tháng qua, họ muốn tới Malaysia nhưng mãi không đến được đó.
AFP dẫn lời người nhập cư nói trên khẳng định: “Khoảng 10 người đã chết trong suốt chuyến đi và chúng tôi đã thả thi thể họ xuống biển”.
Cũng theo AFP, những người nhập cư này thuộc nhóm Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar.
Những kẻ đưa người trái phép đã trốn khỏi các con tàu, bỏ lại hàng nghìn người phải lênh đênh trên biển, sau khi giới chức Thái Lan trấn áp nạn buôn người. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc đã phải đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo rất lớn, theo Reuters.
Bên cạnh Thái Lan, các nước khác trong khu vực như Malaysia và Indonesia cũng đang đau đầu với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, tị nạn, cũng như nạn buôn người.
Ngày 29.5 tới, Thái Lan sẽ tổ chức "Hội nghị đặc biệt về di cư trái phép tại Ấn Độ Dương" nhằm bàn cách giải quyết triệt để vấn đề người tị nạn. Hội nghị này sẽ có sự tham dự của các quan chức cao cấp đại diện 15 nước có liên quan như Úc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh và Mỹ, cùng các quan sát viên của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Tổ chức quốc tế về di dân (IOM), theo The Nation ngày 14.5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.