Thái Lan tránh quy vụ đánh bom Bangkok cho người Duy Ngô Nhĩ

15/09/2015 16:10 GMT+7

(TNO) Mặc dù các nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra của cảnh sát Thái Lan về vụ đánh bom Bangkok đang ngày càng hướng về nghi vấn phiến quân người Duy Ngô Nhĩ tiến hành nhằm vào du khách Trung Quốc, nhưng chính phủ Thái và Trung Quốc đều không thừa nhận điều này.

(TNO) Mặc dù các nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra của cảnh sát Thái Lan về vụ đánh bom Bangkok đang ngày càng hướng về nghi vấn người Duy Ngô Nhĩ tiến hành nhằm vào du khách Trung Quốc, nhưng chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đều không thừa nhận điều này.  

Nghi phạm (áo vàng) trong vụ đánh bom đền thờ ở Bangkok đang bị cảnh sát Thái Lan áp giải - Ảnh: Reuters

Gần một tháng sau vụ đánh bom đẫm máu ngày 17.8, Thái Lan hiện đã bắt giữ 2 người nước ngoài và hàng chục người khác, đồng thời khẳng định có một “mạng lưới tội phạm” đứng sau vụ thảm sát này. Nhưng cho đến nay, các nhà điều tra Thái Lan vẫn chưa đưa ra được động cơ nào đủ tính thuyết phục cho vụ đánh bom khiến 20 người chết mà phần lớn là du khách Trung Quốc, AFP bình luận trong bài viết ngày 14.9.

Giả thuyết lớn nhất mà phía Thái Lan đưa ra là vụ đánh bom xuất phát từ động cơ muốn trả đũa biện pháp trấn áp nạn buôn người của các phần tử tội phạm.

AFP cho biết các chuyên gia phân tích đã mổ xẻ giả thuyết trên và người dân Thái Lan đều không cho rằng một băng đảng tội phạm nào đó có đủ phương tiện hoặc động cơ để ra tay tàn ác như vậy.

Cuộc điều tra trong vài ngày gần đây cho thấy hộ chiếu, quốc tịch và kế hoạch di chuyển của các nghi phạm chính trong vụ việc đều đưa về giả thuyết người Duy Ngô Nhĩ có mối liên hệ với vụ đánh bom.

Ông Zachary Abuza, chuyên gia nghiên cứu về các nhóm phiến quân Đông Nam Á, nói với AFP rằng nếu cuộc điều tra hiện tại của cảnh sát Thái đi đúng hướng, “thì chắc chắn có mối liên hệ từ người Duy Ngô Nhĩ hoặc phần tử cực đoan gốc Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết cảnh sát Thái Lan lại đang miễn cưỡng không dùng cụm từ “Duy Ngô Nhĩ” hay “khủng bố” vì sợ sẽ làm kinh động du khách hoặc khiến Trung Quốc phật lòng.

Thái độ này lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần trước, khi phía Thái Lan ban bố trát bắt nghi phạm tên Abudusataer Abudureheman, hay "Ishan", AFP bình luận. Cảnh sát Thái Lan thông báo người này là một công dân Trung Quốc thuộc người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và đã rời khỏi Thái Lan trước khi vụ đánh bom xảy ra. Nhưng vài tiếng sau đó, cảnh sát Thái đã rút lại từ “Duy Ngô Nhĩ” và yêu cầu báo chí bỏ cụm từ này.    

Du khách tại đền Erawan, nơi xảy ra vụ đánh bom hồi tháng 8.2015 - Ảnh: Reuters

Tránh đề cập Duy Ngô Nhĩ vì ngại Trung Quốc?

AFP dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định rằng Thái Lan tránh nhắc đến người Duy Ngô Nhĩ vì những lý do kinh tế và ngoại giao. Khách du lịch Trung Quốc là nguồn đóng góp lớn vào lợi nhuận cho ngành du lịch Thái Lan, và Bắc Kinh hiện là một trong những đồng minh lớn của Bangkok.

Còn Trung Quốc cũng tránh đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào về việc công dân nước này có thể bị xem như là mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan do những chính sách của nước này tại Khu tự trị Tân Cương.

Hồi tuần trước, tờ Hoàn Cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng một bản tin dẫn lời một quan chức giấu tên thừa nhận phiến quân Duy Ngô Nhĩ có thể là phe đứng sau vụ đánh bom Bangkok. Tuy nhiên, bản tin này sau đó đã nhanh chóng bị gỡ bỏ, theo AFP.

Hãng tin Pháp cũng dẫn lời ông Barry Sautman thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông bình luận rằng Trung Quốc hiếm khi xác định các nhóm cực đoan là người Duy Ngô Nhĩ nhằm che đậy căng thẳng sắc tộc tại Tân Cương.

Thái độ miễn cưỡng của Thái Lan là “một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã có can thiệp vào chuyện này”, theo ông Sautman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.