'Tam giác vàng' có nguy cơ phục hồi vì cây cầu nối Myanmar - Lào?

22/06/2015 20:55 GMT+7

(TNO) Cây cầu nối 2 nước Myanmar và Lào vừa đưa vào sử dụng hồi tháng trước được cho đã tạo cơ hội cho các băng nhóm buôn lậu ma túy vận chuyển hàng và kéo theo nguy cơ khu "Tam giác vàng" hồi phục lại, theo cơ quan phòng chống ma túy Thái Lan.

(TNO) Cây cầu nối 2 nước Myanmar và Lào vừa đưa vào sử dụng hồi tháng trước được cho đã tạo cơ hội cho các băng nhóm buôn lậu ma túy vận chuyển hàng và kéo theo nguy cơ khu Tam giác vàng hồi phục lại, theo cơ quan phòng chống ma túy Thái Lan.

Cây cầu Hữu nghị giữa Myanmar và Lào - Ảnh: Chính phủ Lào
Tờ Bangkok Post (Thái Lan) hôm nay 22.6 cho biết cây cầu nối vùng Tachilek ở bang Shan của Myanmar với huyện Luang Namtha của Lào trở thành địa điểm mới của bọn buôn lậu ma túy xuyên biên giới.
Tờ báo trích dẫn lời một quan chức của cơ quan phòng chống ma túy Thái Lan cho biết kể từ khi cây cầu khánh thành hồi tháng 5.2015, nhiều chuyến hàng chở caffeine (tiền chất để chế tạo methamphetamine) đã đi qua chiếc cầu này. Trong vòng một tháng, giới chức Thái Lan đã bắt giữ 21 tấn caffeine dạng viên, nguyên liệu có thể tạo ra 500-600 triệu viên “hàng trắng”.
Lượng caffeine này được sản xuất từ những ngôi làng gần biên giới với Lào, vượt qua cây cầu “hữu nghị” nối Myanmar và Lào, vào Thái Lan trước khi đến Trung Quốc và những nước khác tại châu Á.
Cây cầu nằm trên tuyến đường R3B kết nối Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc và con đường R3A chạy qua Thái Lan, Lào và Trung Quốc, được mệnh danh là những tuyến đường “ma túy”.
Cây anh túc trong bảo tàng ma túy Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan - Ảnh: Minh Quang
Ông Permphong Chavalit, Tổng Thư ký Văn phòng phòng chống ma túy Thái Lan, cho biết tình trạng buôn lậu ma túy đang trở nên đáng báo động trở lại ở khu vực từng được mệnh danh là trung tâm sản xuất ma túy lớn của châu Á kể từ khi cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện ở đây.
Ông Permphong cho biết Myanmar không đủ phương tiện để kiểm soát ma túy qua biên giới vì công nghệ nước này sử dụng quá lạc hậu, trong khi những khu vực trồng và chế biến ma túy trên khu vực núi, không có đường giao thông và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Theo ông Permphong, nếu không kiểm soát buôn lậu ma túy, Tam giác vàng có nguy cơ phục hồi.
Từ thập niên 1950-1960, khu vực biên giới hiểm trở giữa 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar là một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới với hỗn danh Tam giác vàng. Hàng chục năm trước, với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc và sự hợp tác giữa các chính phủ, khu Tam giác vàng gồm Myanmar, Thái Lan và Lào đã bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên, trong một lần công tác ở Chiang Rai, phóng viên Thanh Niên Online được giới chức Thái Lan cho biết những khu vực trồng ma túy vẫn còn tiếp tục với quy mô nhỏ ở cả Thái Lan và Lào, trong khi những cánh đồng anh túc bị dẹp bỏ chưa nhiều ở vùng núi Myanmar, ở đây các bộ tộc gieo trồng anh túc như phương tiện kiếm sống hàng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.