Singapore truy diệt tham nhũng, lạm quyền

29/06/2012 03:00 GMT+7

Báo chí chính thống ở Singapore gần đây tràn ngập thông tin các quan chức, người có thế lực đã bị bắt và truy tố trước tòa án.

Straits Times, tờ báo lớn nhất và được xem như một kênh phát ngôn của chính phủ, ngày 27.6 dành nguyên trang nhất cùng 3 trang khổ lớn phần “tin quan trọng” đưa tin 2 vụ lạm dụng uy tín để trục lợi. Số báo ngày 28.6 cũng dành 3/4 trang nhất và 2 trang rưỡi “tin quan trọng” xoáy vào hành vi sai trái của những người có thế lực trong xã hội. Trước đó, báo này liên tiếp đưa trên trang nhất tin và hình ảnh những người lạm dụng tín nhiệm thuộc hàng “thâm cung bí sử” trong các cơ quan nhà nước.

Nhà báo Chin Kah Chong, đã nghỉ hưu nhưng luôn theo sát tình hình thời sự, nhận định với Thanh Niên rằng “hiện tượng” này là một “bất thường lớn”.

Từ mua dâm đến biển thủ công quỹ

“Phát súng” đầu tiên gây chấn động dư luận từ giữa tháng 4.2012 khi tòa án xét xử gần 50 người bị cáo buộc mua dâm một “gái gọi” chuyên nghiệp dưới 18 tuổi. Danh sách gồm nhiều người có uy tín và thế lực trong xã hội như: cựu Hiệu trưởng Trường công lập Pei Chun  - ông Lee Lip Hong, nhà hoạt động thiện nguyện 41 tuổi Howard Shaw - con cháu của dòng họ Shaw danh giá vốn sở hữu nhiều trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và tài trợ chính của nhiều bảo tàng nhà nước...

Hình ảnh và thân thế của họ được đưa nổi bật trên trang nhất của Straits Times trong nhiều ngày đến mức một bộ phận công chúng thấy khó chịu. Khi bị chất vấn về việc đưa tin có phần thái quá này, cả Bộ trưởng Truyền thông Singapore lẫn lãnh đạo báo Straits Times cho rằng những ai sống trái đạo đức và thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội đều đáng bị bêu trên báo để làm gương.

Trong khi vụ mua dâm gái vị thành niên vẫn đang tiếp diễn thì một vụ chấn động khác nổ ra. Đó là nguyên Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự (SCDF) Peter Lim Sin Pang ngày 6.6 bị tòa buộc 10 tội danh quan hệ tình dục với 3 phụ nữ có vị trí trong những công ty công nghệ thông tin. Đổi lại, ông Lim trao cho họ những hợp đồng mua sắm thiết bị của SCDF.

 Ông Kong Hee (áo trắng bên phải) ra tòa cùng vợ - Ảnh: AFP
Ông Kong Hee (áo trắng bên phải) ra tòa cùng vợ - Ảnh: AFP

Chưa hết, ngày 22.6, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao (MFA) Lim Cheng Hoe xuất hiện trên trang nhất Straits Times với cáo buộc khai khống chi tiêu công tác nước ngoài. Mới nhất, nhà sáng lập và cũng là “lãnh tụ tinh thần” Kong Hee (47 tuổi) của City Harvest Church (CHC) - một trong vài nhóm tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất Singapore - bị vây bắt tại nhà sáng 26.6. Cùng lúc, 4 cộng tác thân tín của ông Kong ở CHC cũng bị bắt tại nhà riêng. Nhóm này bị buộc tội câu kết dùng 24 triệu SGD (400 tỉ đồng) tiền đóng góp của các tín đồ để “đầu tư” vào “sự nghiệp ca hát” của vợ ông Kong, bà Ho Yeow Sun. Bà Ho dùng tiền vào các chi phí sinh hoạt, ra album, quảng bá sản phẩm... ở Hollywood, Mỹ. Nhóm cũng bị cáo buộc dùng 26,6 triệu SGD nữa để che giấu vụ “đầu tư cho người nhà”. Tòa hình sự hôm 27.6 đã buộc 5 người này các tội danh lạm dụng tín nhiệm, giả mạo giấy tờ... với mức án tối đa tù chung thân.

Cũng hôm 26.6, nguyên Phó chủ tịch Peter Khoo Chong Meng của Tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings, công ty mẹ của báo Straits Times, bị buộc tội nhận hàng chục ngàn SGD tiền “lại quả” và biển thủ công quỹ.

Bảo vệ thể chế

Thật ra, những sai phạm nêu trên diễn ra trong một thời gian dài và các cơ quan điều tra Singapore theo dõi từ lâu. Thế nhưng, hành động bắt bớ và loan tin ra công chúng lại gần như xảy ra cùng một thời điểm. Ví dụ, sai phạm ở CHC đã được nói tới cách đây 10 năm. Nhà báo Chin Kah Chong nhận định điều này là “có ý đồ”.

Về “hiện tượng” này, tiến sĩ Vũ Minh Khương tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, nhận định với Thanh Niên rằng đó là một “quyết tâm chính trị” nhằm bảo vệ thể chế của chính phủ Singapore. Tiến sĩ Khương đưa ra 3 lý do: Thứ nhất, sau giai đoạn tập trung phát triển kinh tế rực rỡ, một bộ phận quan chức Singapore mất đi khát vọng cống hiến và nảy sinh nhiều tật xấu. Thứ hai, những biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông buộc các lãnh đạo Singapore phải nhìn nhận và chỉnh sửa các sai sót để tránh bất ổn tương tự. Thứ ba, sau khi mất nhiều ghế trong cuộc tổng tuyển cử 2011, đảng cầm quyền phải ra sức lấy lòng dân, chuẩn bị cho lần bầu cử tới.

Lật ngược vấn đề, chính phủ Singapore hoàn toàn có thể che giấu những sai phạm trong cơ quan nhà nước để “giữ uy tín”, tại sao họ không làm vậy? Tiến sĩ Vũ Minh Khương lập luận: “Chính phủ Singapore không chỉ chọn phát triển một đất nước giàu có, yên ổn, mà còn muốn tạo ra một xã hội lành mạnh, minh bạch. Họ dám sống dưới ánh mặt trời của lòng dân”. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Teo Chee Hean hồi tháng 2.2012 tuyên bố trước quốc hội sẽ "không do dự xử lý sai phạm dù là với cán bộ cao cấp".

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí
>> Ông Thaksin dính thêm nghi án tham nhũng
>> Bộ trưởng Công an kiến nghị áp dụng biện pháp bí mật chống tham nhũng
>> Bà Cốc Khai Lai thuê luật sư chuyên về tham nhũng danh tiếng?
>> Mặt trận lòng dân chống tham nhũng
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.