Singapore khủng hoảng cát

26/05/2009 02:30 GMT+7

Đảo quốc Singapore ngày càng to ra, vươn cao phần lớn nhờ đất cát từ các nước láng giềng đắp vào. Nhưng hiện nay nhiều nước không bán cát nữa.

Quốc gia mới nhất tuyên bố cấm xuất khẩu cát là Campuchia. Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cấm vào ngày 8.5 và có hiệu lực ngay lập tức. Global Witness - cơ quan theo dõi môi trường có trụ sở tại Anh, trong một báo cáo gần đây nói rằng phần lớn cát khai thác ở Campuchia được xuất khẩu sang Singapore, quốc gia có các công trình lấn biển đầy tham vọng.

Phá hoại môi trường

Báo Phnom Penh Post của Campuchia dẫn lời ông Mao Hak, Giám đốc Cục Thủy văn và Công trình đường sông của Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng cho biết có tổng cộng 124 công ty khai thác cát đang hoạt động tại Campuchia. Báo cáo của Global Witness nói thêm việc khai thác cát diễn ra với quy mô lớn nhất ở tỉnh Koh Kong, vùng cực tây nam của xứ sở chùa tháp. Tại đây, mỗi tuần có hàng ngàn tấn cát được Công ty Winton Enterprises có trụ sở ở Hồng Kông tải về Singapore. Các báo cáo địa phương cho hay mỗi tháng nơi đây xuất đi khoảng 40 - 50 ngàn tấn cát. Tổng trị giá xuất khẩu mỗi năm được Global Witness ước tính ít nhất là 8,6 triệu USD, trong khi bán lẻ ở Singapore được khoảng 35 triệu USD.

Cheam Yeap, một thành viên cấp cao của đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo khẳng định lệnh cấm được ban hành sau khi người dân biểu tình lên tiếng về những ảnh hưởng môi trường phát sinh từ việc khai thác cát. Người dân dọc theo bờ sông Mekong và sông Tonle Bassac (khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu) nói rằng nhà cửa, vườn tược của họ bất ngờ đổ sập và trôi ra biển do bờ sông bị sạt lở. Đảng đối lập Sam Rainsy hoan nghênh quyết định của chính phủ. “Khai thác cát chỉ làm giàu cho nhà kinh doanh và các quan chức tham nhũng, trong khi người dân phải chịu đựng mọi tổn thất”, Yim Sovann, một thành viên cấp cao của Sam Rainsy lập luận.

Đầu năm 2007, Chính phủ Indonesia cũng bất ngờ tuyên bố cấm xuất khẩu cát. Bộ trưởng Thương mại, tiến sĩ Mari Elka Pangestu, nói việc khai thác cát trên đảo Riau để xuất khẩu không những ảnh hưởng đến môi trường mà còn nguy hại đến an ninh quốc gia. “Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, bên cạnh việc hủy hoại môi trường và làm biến dạng địa mạo liên hoàn của quần đảo Riau, khai thác cát cũng gây xáo trộn an ninh biên giới các đảo”, bà Mari khẳng định và tuyên bố quyết định ngày 23.1.2007 của Bộ Thương mại có hiệu lực vĩnh viễn. Singapore, quốc gia nhập khẩu đến 2/3 trong tổng số cát xuất khẩu của Indonesia, bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm này.

Malaysia thì đã cấm việc xuất khẩu cát từ năm 1997. Lo ngại của Malaysia không chỉ dừng ở vấn đề môi trường do việc khai thác cát gây ra, mà quan trọng hơn, nước này phản đối những dự án lấn biển của nước láng giềng.

Lấn biển và vươn cao

Theo thông tin lưu trữ tại các thư viện điện tử, hoạt động lấn biển ở Singapore đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 19, khi còn là thuộc địa. Tuy nhiên, chương trình lấn biển chỉ diễn ra ở quy mô lớn từ thập niên 1960 trở lại. Trước năm 1960, đảo quốc sư tử có diện tích 581,5 km2. Trong vòng hơn 40 năm qua, quốc gia này đã rộng thêm khoảng 130 km2, và có tham vọng mở rộng thêm trên 100 km2 nữa trong thời gian tới.

Cách làm của Singapore là bồi lấp vùng ven biển, đầm vũng hoặc nối các hòn đảo với nhau. Quy trình lấn biển gồm 5 giai đoạn: nhồi cọc xuống lòng biển có độ sâu không quá 15m để gia cố nền đáy, dựng tường cát để đẩy nước biển ra xa, đổ cát vào để san bằng và nén cát, xây tường đá granite ngăn cát rửa trôi, phủ xanh cây cỏ để chống xói mòn. Sau 1-5 năm, đất mới đã có thể xây dựng được. Trong thời gian đầu, những ngọn đồi nhỏ ở vùng phía nam được san bằng để lấy đất lấp biển. Về sau, hầu hết đất đá dùng cho xây dựng và lấn biển đều nhập từ các quốc gia láng giềng. Ngày nay, đi trên lãnh thổ hơn 700 km2 này, ít du khách biết rằng, sân bay quốc tế Changi, khu du lịch nổi tiếng Sentosa, khu thương mại - giải trí Marina Square và trung tâm tài chính phố Shenton với những tòa nhà chọc trời, các khu công nghiệp công nghệ cao... trước đây là mặt biển; kể cả Chinatown và khu giải trí Clarke Quay, Boat Quay... là đầm vũng thời thuộc địa.

Indonesia, Malaysia, những quốc gia chia sẻ các vùng biển lân cận với đảo quốc sư tử, phản đối chương trình lấn biển của Singapore với cáo buộc làm ảnh hưởng đến thủy văn, hoạt động hàng hải và hệ sinh vật thuộc vùng biển nước họ. Hai nước này cũng chỉ trích chính những dự án lấn biển của Singapore làm “chảy máu” nguồn cát của họ. Malaysia từng đưa phản đối lên tòa án quốc tế vào năm 2003. Tuy nhiên, phần thắng thuộc về Singapore, bởi các dự án lấn biển thuộc lãnh hải của nước này và cách luồng hàng hải các nước ít nhất 7 km, đồng thời các tác động môi trường được kiểm soát tối đa.

Khủng hoảng cát

Năm 2007, lệnh cấm của Indonesia gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Singapore. Giá bê tông tăng từ 70 SGD/m3 (khoảng 850.000 đồng VN) lên 200 SGD/m3, khiến nhiều công ty xây dựng và nhà cung ứng vật tư điêu đứng. Các vụ kiện tụng cũng nổ ra xoay quanh những hợp đồng ký kết trước đó. Tư liệu của báo Asia Times hồi năm 2003 trích số liệu phía Singapore cho biết năm 2001, nước này nhập khẩu 300 triệu m3 cát của Indonesia. Và tháng 2.2002, khi một lệnh cấm xuất khẩu cát tạm thời của Chính phủ Indonesia được áp dụng, các dự án lấn biển của Singapore lâm vào thế “án binh bất động”.

Báo Straits Times của Singapore trích lời Chủ tịch Hiệp hội Bê tông trộn sẵn, tiến sĩ Sujit Ghosh, cho hay ngành xây dựng của Singapore nhập 20% cát từ Campuchia. Ông Ghosh, cũng là Tổng giám đốc Công ty xi măng Holcim Singapore, cho biết Singapore nay có nhiều nguồn cung cấp cát khác nhau. Tuy vậy, các công ty cung ứng cát thì méo mặt. Anthony Seet, một nhà cung cấp nói với Straits Times rằng công ty của ông đã đóng cửa và sẽ phải đi tìm nguồn cát ở nơi khác. Chưa có dự đoán giá cát ở Singapore sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới, trong khi các dự án xây dựng đang được tiến hành khắp nơi và chương trình lấn biển vẫn chưa dừng lại.

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.