Siêu tàu sân bay của Mỹ

22/06/2012 03:00 GMT+7

Hải quân Mỹ đang đánh cược 42 tỉ USD vào tàu sân bay lớp Gerald Ford thuộc loại khủng và đắt tiền nhất từ trước đến nay.

Để dần thay thế tàu sân bay lớp Enterprise và Nimitz, Washington phát triển lớp Gerald Ford với chiếc đầu tiên mang tên USS Gerald Ford. Chiếc tàu này đang được hình thành tại một cơ sở ở bang Virginia, Mỹ. Đến cuối tháng 5, phần vỏ của USS Gerald Ford hoàn tất được 75%, theo AFP. Dự kiến tàu sân bay trên sẽ được hạ thủy vào năm 2015.

Siêu tàu sân bay của Mỹ - nd 
Phần vỏ tàu USS Gerald R.Ford đã hoàn tất được 75% ở cảng Newport News - Ảnh: Bloomberg

Dự án khủng

Trong khi đó, hải quân Mỹ tiết lộ thế hệ tàu sân bay mới, cao tương đương tòa nhà 20 tầng nổi trên biển với chiều dài 333 m và tốc độ 30 hải lý/giờ (tức 56 km/giờ). Theo Báo cáo Mua sắm khí tài chọn lọc của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 12.2011, tổng chi phí để phát triển 3 tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald Ford vào khoảng 42,5 tỉ USD.

Với chi phí khổng lồ như thế, lớp tàu sân bay này thể hiện không ít ưu điểm nổi trội so với các thế hệ trước. Điển hình như lò phản ứng hạt nhân, hệ thống nâng vũ khí, bộ phận hãm và radar 2 dải tần. Nổi bật nhất của tàu sân bay lớp Gerald Ford là khả năng cho phép máy bay hoạt động ở tần suất cao. Hệ thống trường điện tân tiến, vốn do Tập đoàn công nghiệp General Atomics Corp chế tạo, sẽ dùng để thay thế hệ thống máy phóng trên các lớp tàu cũ giúp tốc độ phóng máy bay nhanh hơn. Nhờ đó, chiến đấu cơ trên tàu sân bay lớp Gerald Ford có thể đạt 160 lần xuất kích mỗi ngày, nhiều hơn đáng kể so với con số 120 lần của thế hệ Nimitz. Không những thế, nếu cần thiết, tần số xuất kích của máy bay trên tàu thế hệ mới có thể đạt 270 lần mỗi ngày. Như thế, mỗi chiếc tàu sân bay lớp Gerald Ford có thể trở thành căn cứ nổi để tiến hành 270 lần không kích mỗi ngày.

Song hành cùng kế hoạch đóng tàu lớp Gerald Ford, Washington còn phát triển phiên bản dùng trên tàu sân bay của loại chiến đấu cơ thế hệ 5

F-35 tàng hình. Đây được xem là biện pháp phòng vệ trước việc xuất hiện một số tên lửa chống tàu sân bay, điển hình như loại tên lửa DF-21 của Trung Quốc.

Tiết giảm chi phí

Sau khi hoàn thành, mỗi chiếc thuộc lớp Gerald Ford lại tiêu tốn thêm một khoản chi phí khổng lồ để vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… Ước tính mỗi tàu sân bay lớp Gerald Ford sẽ mất tổng cộng 27 tỉ USD để xây dựng, duy trì và bảo dưỡng trong suốt 50 năm hoạt động. Tuy nhiên, con số này vẫn tiết kiệm hơn 5 tỉ USD so với tàu sân bay thuộc lớp Nimitz mà Washington đang sở hữu 10 chiếc. Theo thiếu tướng Thomas Moore phụ trách chương trình tàu sân bay hải quân Mỹ, phần lớn mức tiết giảm chi phí nhờ vào những thay đổi trong thiết kế và công nghệ giúp giảm số lượng thủy thủ cần thiết. So với khoảng 5.900 nhân sự của tàu lớp Nimitz, tàu lớp Gerald Ford sẽ chỉ cần 4.660 người.

Mỹ phóng vệ tinh tối mật

Ngày 20.6, không quân Mỹ phóng tên lửa đẩy, từ mũi Cape Canaveral thuộc bang Florida, mang theo một vệ tinh tối mật của nước này. Vệ tinh trên thuộc Cơ quan do thám quốc gia Mỹ nhưng cơ quan này từ chối tiết lộ thông tin liên quan. Vì thế, sứ mệnh và mục tiêu thực sự của vệ tinh này đến nay vẫn là một ẩn số.

Thụy Miên

>> Tàu sân bay Ấn Độ bắt đầu chạy thử
>> Trung Quốc sắp tự đóng hai tàu sân bay
>> Tàu sân bay Ấn Độ sắp chạy thử
>> Tàu sân bay Mỹ áp sát Iran
>> Tàu sân bay huyền thoại của Mỹ ra khơi lần cuối
>> Tàu sân bay Mỹ tuần tra gần bờ biển Iran
>> Tàu sân bay Mỹ lại đến vùng Vịnh
>> Iran: Tàu sân bay Mỹ không được trở lại vùng Vịnh
>> Ấn Độ giới thiệu tàu sân bay tự đóng
>> Tàu sân bay Mỹ tiến vào vùng tập trận của Iran
>> Tàu sân bay Trung Quốc sẽ được triển khai ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.