Sau vụ cơ phó bị nghi cố làm máy bay rơi: Nhiều hãng buộc có 2 người trong buồng lái

27/03/2015 16:32 GMT+7

(TNO) Nhiều hãng hàng không đã áp dụng quy định buộc hai thành viên phi hành đoàn phải ở trong buồng lái sau khi cơ phó Andreas Lubitz khóa cửa buồng lái và cố tình cho máy bay của hãng Germanwings rơi xuống dãy núi Alps (Pháp), theo AFP.

(TNO) Nhiều hãng hàng không đã áp dụng quy định buộc hai thành viên phi hành đoàn phải ở trong buồng lái sau khi cơ phó Andreas Lubitz khóa cửa buồng lái và cố tình cho máy bay của hãng Germanwings rơi xuống dãy núi Alps (Pháp) hôm 24.3, theo AFP.

Một máy bay hãng easyJet - Ảnh: Reuters
Hãng hàng không giá rẻ easyJet (Anh) ngày 26.3 tuyên bố áp dụng quy định “hai người trong buồng lái” sau tai nạn hàng không của hãng Germanwings, theo AFP.
Sau đó, chính quền Canada và hàng loạt các hãng hàng không trên thế giới như Icelandair (Iceland) và Air Shuttle (Na Uy) cũng tuyên bố áp dụng chính sách tương tự.
Hiệp hội hàng không Đức BDL cho biết cơ quan này cũng sẽ áp dụng quy định “hai người trong buồng lái” đối với những hãng hàng không thành viên của BDL, trong khi hãng hàng không Đức Lufthansa, chủ sở hữu Germanwings, cho hay biện pháp này sẽ được thảo luận trong cuộc họp ngành hàng không dân dụng trong hôm nay 27.3.
Theo quy định “hai người trong buồng lái”, người thứ hai sẽ là tiếp viên hàng không nếu cơ trưởng hoặc cơ phó rời khỏi buồng lái trong một chuyến bay.
Ông Thomas Hesthammer, người đứng đầu tổ điều hành bay của hãng Air Shuttle, hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba của châu Âu, cho biết thảm họa rơi máy bay ở Alps khiến cho hãng của ông phải thay đổi quy định.
Trong một thông cáo, Icelandair cho hay hãng này bị sốc sau khi truyền thông báo đài hé lộ những phút cuối cùng của chiếc Airbus A320 (chuyến bay 4U 9525), chở 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, rơi xuống khu vực hẻo lánh ở dãy núi Alps (Pháp), sau khi cất cánh từ thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) để đến thành phố Duesseldorf (Đức) vào ngày 24.3.
Chính quyền Canada cũng ra lệnh cho tất cả hãng hàng không của nước này luôn đảm bảo hai người trong buồng lái trong một sắc lệnh khẩn cấp và có hiệu lực ngay trong ngày 26.3.
Hãng hàng không Air Canada, Westjet và Air Transat cho biết họ đã lập tức áp dụng quy định hai người trong buồng lái sau vụ rơi máy bay của hãng Germanwings.
Quy định “hai người trong buồng lái” đã được áp dụng từ lâu ở Mỹ, nhưng châu Âu không áp dụng quy định này. Chỉ có một số ít hãng hàng không ở châu Âu như Ryanair (Ireland), Finnair (Phần Lan) và Iberia (Tây Ban Nha) áp dụng quy định này từ trước đến giờ.
“Các quy định của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu không yêu cầu phi công phải được thay thế bằng một tiếp viên hàng không nếu rời khỏi buồng lái”, AFP dẫn lời một người phát ngôn của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu cho biết.
Trong quy định “hai người trong buồng lái”, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ còn yêu cầu tiếp viên hàng không phải ngồi trong buồng lái được khóa cửa lại khi một trong hai phi công rời khỏi buồng lái.
Các điều tra viên tình nghi cơ trưởng của hãng Germanwings ra khỏi buồng lái để đi vệ sinh, để cơ phó Lubitz ở lại một mình trong buồng lái và Lubitz đã khóa cửa buồng lái, cho máy bay hạ độ cao, đâm xuống dãy núi Alps.
Tờ nhật báo Bild (Đức) ngày 27.3 dẫn lời các nguồn tin an ninh cho hay cơ trưởng quay lại gõ cửa nhiều lần nhưng cơ phó không mở cửa và cơ trưởng cố dùng một cái búa (dùng trong tình huống khẩn cấp) cố đập cánh cửa buồng lái chống đạn. Nhưng chưa cơ quan chức năng nào xác nhận thông tin của tờ Bild.
Sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2011 ở Mỹ, các hãng hàng không đã tập trung vào các biện pháp đề phòng nguy cơ máy bay bị tấn công khủng bố. Nhiều hãng đã áp dụng hệ thống khóa cửa buồng lái nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố xông vào buồng lái cướp máy bay.
Các quan chức Đức và Pháp cho biết cơ phó Lubitz được cho là không dính líu đến khủng bố, nhưng động cơ hành động của cơ phó trẻ tuổi này vẫn là một bí ẩn. 
Hàng xóm và bạn bè mô tả Lubitz là một người bình thường, một người đàn ông tử tế, thân thiện có nhiều bạn bè và rất thích chạy bộ cùng bạn gái.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hiệp Quốc ngày 26.3 thông báo các phi công phải được kiểm tra sức khỏe tâm thần và thể chất thường xuyên. “Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi kiểm tra thì việc đánh giá chuyên sâu hơn có thể được tiến hành”, ICAO cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.