Sáng tạo quá hóa phiền

26/02/2012 03:06 GMT+7

Những cuộc vui chơi, tiệc tùng tưởng khép lại khi tàn cuộc, ai dè lại tiếp tục nổi đình đám trên internet.

Mỗi năm chỉ một ngày vui!

Kết thúc một năm làm việc cật lực, doanh thu, lợi nhuận khả quan, nhiều công ty không tiếc gì một bữa tiệc linh đình, thả ga, để quân - tướng có dịp hả hê, vui vẻ và động viên nhau cố gắng hơn trong năm tới. Nhưng ăn uống thôi thì chưa đủ, phải có trò gì đó sáng tạo, lạ lẫm mới xứng đáng.

Nếp nghĩ và sinh hoạt đó gần đây trở thành một tập quán của hầu hết các công ty lớn ở nhiều nơi. Tại Singapore, những bữa tiệc thường niên như thế có hẳn tên gọi nôm na là “Ăn tối và Khiêu vũ” (Dinner & Dance - D&D).

D&D thường được tổ chức tại phòng tiệc lớn ở những khách sạn sang trọng. Phần “đinh” của chương trình là những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, hoặc hóa trang theo chủ đề, do chính “cây nhà lá vườn” trình diễn. Nhiều công ty thuê cả nhà tổ chức sự kiện tư vấn về chủ đề, tiết mục, trang phục. Và sự sáng tạo là vô biên… 

Đêm vui hóa ra ác mộng

Nhưng có khi cuộc vui chưa tàn thì ác mộng đã ập đến, bởi sự sáng tạo dù vô biên song cũng bị ràng buộc bởi nhiều ranh giới đạo đức, xã hội..., mà đôi khi rất khó để xác định.

Cuộc vui của nhân viên UOB, một ngân hàng tên tuổi của Singapore và có chi nhánh ở nhiều nước châu Á, tại khách sạn Fairmont hôm 10.2 là một ví dụ. Hôm ấy, nhiều nhân viên nam gốc Hoa của UOB đã bôi đen mặt mũi, diện phục trang, mũ mão, trang sức của giới thượng lưu Ấn Độ cho bữa tiệc lấy cảm hứng từ Bollywood, tức thế giới điện ảnh xứ Ấn.

Tiệc riêng của một công ty thì cũng chẳng ai để ý làm gì. Nhưng sự kiện “bôi đen mặt” trở nên ầm ĩ khi các nhân viên UOB đưa những bức hình hoạt náo của họ lên Facebook. Nhiều cư dân mạng bất bình cho đây là hành động phân biệt chủng tộc, là lăng mạ người gốc Ấn vốn có làn da không được trắng sáng. Lãnh đạo UOB bị cho là thiếu nhạy cảm đối với vấn đề màu da vốn dễ gây bất hòa trong một xã hội đa sắc tộc như Singapore.

Phát ngôn viên của UOB sau đó đã xin lỗi công chúng và yêu cầu nhân viên xóa hết những bức ảnh này, dù khẳng định rằng “UOB có đến hơn 20.000 nhân viên từ 50 quốc gia và tiết mục hóa trang chỉ nhằm tôn vinh sự đa dạng đó”.

 }
Bà Saw Phaik Hwa trong vai nữ hoàng Cleopatra tại buổi tiệc của công ty - Ảnh: Internet

Trước đó, tháng 12.2011, cuộc vui của tập đoàn vận tải SMRT đã trở thành một sự kiện hủy hoại uy tín của công ty và bản thân Tổng giám đốc Saw Phaik Hwa. Tại buổi tiệc D&D ở khu giải trí Resorts World Sentosa, bà Saw “phì nhiêu” ăn mặc như nữ hoàng Cleopatra, ngồi trên kiệu vàng do 8 thanh niên vạm vỡ cởi trần, mặc quần tà lỏn khiêng ra sân khấu, theo sau là mấy quan tướng áo mũ cân đai.

Chuyện bà tổng giám đốc “chơi ngông” ở công ty cũng không mấy người bên ngoài được biết. Nhưng sau đó, có người của SMRT đã gửi những bức ảnh phản cảm này cho một trang web chuyên phê bình các vấn đề chính trị - xã hội ở đảo quốc sư tử. Uy tín của SMRT, đặc biệt là bà Saw, xuống dốc nghiêm trọng.

Cùng thời gian ấy, những chuyến tàu điện ngầm do SMRT vận hành liên tục gặp sự cố, gây điêu đứng cho hàng chục ngàn hành khách, hình ảnh bà Saw bị bôi xấu đến tận cùng. Cư dân mạng ghép ảnh “nữ hoàng Cleopatra” vào những hình ảnh náo loạn tại ga tàu điện ngầm, hay chốn xa xỉ, trụi trần, tạo ra những cảnh huống mà không một lời ác ý nào có thể sánh bằng. Cầm cự không được bao lâu, bà Saw đành từ chức.

Các nhà tổ chức sự kiện vì thế có lời khuyên đối với các công ty: cần hết sức thận trọng với những trò vui trong bữa tiệc D&D, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số này! 

Tuy bị cho là “làm tổn hại tinh thần đa văn hóa” của Singapore, màn hóa trang của nhân viên UOB cũng nhận được nhiều sự chia sẻ và thông cảm. Trên diễn đàn báo AsiaOne, hơn 1/3 ý kiến cho rằng đó chỉ là màn hóa trang vui vẻ, “mới mẻ” và “tài năng”, “chẳng có vấn đề gì”, bởi đã mặc trang phục Ấn thì bôi mặt đen là hợp lý.

Ngược lại, “nữ hoàng Cleopatra” của SMRT không nhận được một bình luận thiện chí nào trên tất cả các diễn đàn. Huỵch toẹt thì người ta bảo: “Cleopatra hẳn phải đội mồ ngồi dậy nếu biết có người xấu thế hóa trang thành mình”. Kín đáo hơn như người có biệt danh BillyMa trên Temasek Review Emeritus thì “D&D là dịp để tôn vinh nỗ lực của nhân viên chứ không phải là cơ hội để bà CEO chiếm lĩnh sân khấu, lại càng không thể là nơi để bà khoe hai cái đùi voi của mình”. Nhiều người khác kêu gọi cách chức bà Saw ngay lập tức để tránh bức xúc hơn cho công chúng.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.