Quyền lực mềm Trung Quốc tại Thái Lan

20/07/2012 03:15 GMT+7

Bắc Kinh đang thực hiện một loạt biện pháp để tăng cường ảnh hưởng đối với Thái Lan.

Ngày 18.7, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Suchart Thada Thamrongvech chủ trì buổi lễ ra quân của đoàn xe caravan đi đến 8 tỉnh thành nước này, để thực hiện chương trình phát máy tính bảng cho học sinh tiểu học. Đoàn xe chở theo 55.000 máy tính bảng do Trung Quốc sản xuất. Đây là một phần trong số 930.000 máy tính bảng trong chương trình One Table Per Children (mỗi em một máy), trị giá hơn 75 triệu USD, do Trung Quốc tài trợ Thái Lan. 

 Quyền lực mềm Trung Quốc tại Thái Lan
Đoàn xe thực hiện chương trình phát máy tính bảng do Trung Quốc tài trợ cho Thái Lan - Ảnh: Minh Quang

Tài trợ giáo dục là một trong những chiến lược then chốt mà Bắc Kinh thực thi để nâng tầm ảnh hưởng trong quan hệ với Bangkok, kể từ khi chính phủ của đảng Puea Thai được thành lập. Trong chuyến thăm Thái Lan hồi cuối năm ngoái, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra mục tiêu ảnh hưởng sâu hơn đối với nước chủ nhà, nhất là ở các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và kinh tế. Cụ thể, Trung Quốc cam kết hỗ trợ dự án đường cao tốc Bangkok - Chiang Mai của Thái Lan, tăng cường trao đổi văn hóa và giáo dục. Hai bên cũng thống nhất thực hiện chương trình trao đổi thương mại trực tiếp bằng nội tệ hai bên, trị giá 70 tỉ baht (49.000 tỉ đồng) mà không sử dụng USD.

 

ASEAN có thể đạt được tuyên bố chung

Ngoại trưởng hai nước Indonesia và Campuchia vừa cho hay tuyên bố chung về hội nghị ASEAN hồi tuần trước có thể được đưa ra vào hôm nay. Tuyên bố trên được đưa ra khi Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm qua đã gặp người đồng cấp Campuchia Hor Nam Hong tại Phnom Penh. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Phnom Penh vào hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia nói: “Chúng tôi đang ở điểm cuối quá trình hoàn thiện bản tuyên bố đó”. Đồng thời, ông Hor Nam Hong cho biết tuyên bố trên có thể được đưa ra vào hôm nay sau khi các thành viên khác thông qua.

Thục Minh (VP Singapore)

Thâm nhập bằng nhiều cách

Đánh giá về các động thái trên, tiến sĩ Teshu Singh thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược xung đột và hòa bình của Ấn Độ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng quyền lực cứng lẫn mềm đối với Thái Lan. Tiến sĩ Prapat Thepchatree, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của Trường Thammasat, nhận định với Thanh Niên rằng Thái Lan không phải là nước duy nhất trong ASEAN mà Trung Quốc sử dụng chiến lược trên. Ông nói: “Hoàn toàn dễ hiểu khi Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng đối với Bangkok. Ngược lại, Thái Lan cũng muốn có quan hệ sâu rộng không chỉ với Trung Quốc mà còn với những cường quốc khác như Mỹ và các nước châu Âu. Đây là chiến lược đối ngoại của Thái Lan từ nhiều năm qua”. Ông Prapat còn phân tích rằng văn hóa Trung Quốc tồn tại hàng thế kỷ nay ở Thái Lan nên Bắc Kinh dễ dàng thực thi quyền lực mềm bằng nhiều cách. Cụ thể là: quảng bá văn hóa phim ảnh, âm nhạc, phổ biến tiếng Hoa trong giới học sinh, sinh viên và cả lễ hội truyền thống của Trung Quốc. Năm 2012, chính phủ Thái Lan tổ chức mừng năm mới của người Hoa. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức bên cạnh lễ hội năm mới truyền thống của người bản xứ nên người Thái Lan có đến 2 lần “ăn tết”.

Quay lại với các chương trình tài trợ giáo dục, từ cuối năm ngoái, Trung Quốc tiến hành chương trình đưa 10.000 hướng dẫn viên giáo dục sang Thái Lan để học tiếng bản xứ. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của chương trình này lại là dạy tiếng Hoa cho người Thái Lan. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu phổ cập tiếng Hoa bên cạnh tiếng Anh ở bậc tiểu học vào năm 2015.

Thách thức cho Bangkok

Đầu tuần này, tờ The Bangkok Post vừa có bài xã luận về việc Thái Lan sẽ chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ ngày 25.7. Theo đó, Thái Lan phải giúp xây dựng lòng tin giữa các thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại, thúc đẩy sự liên quan giữa các bên liên quan trong tranh chấp biển Đông. Đồng thời, Thái Lan phải làm việc chặt chẽ với Trung Quốc để chứng minh với các nước bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, rằng ASEAN đủ sức xử lý các xung đột liên quan. Bangkok cần thuyết phục để Bắc Kinh đồng ý thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Lê Loan

Minh Quang
    (VP Bangkok)

>> Tỷ lệ khí thải carbon của Trung Quốc bằng toàn bộ châu Âu
>> Đề xuất vũ trang cho ngư dân Trung Quốc: Mưu đồ thâm hiểm!
>> Trung Quốc có thể nâng cấp vũ khí hạt nhân vì lá chắn tên lửa Mỹ
>> Nga liên tục bắt giữ tàu cá Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.