Quân đội Ấn Độ không thể đánh trận hơn 20 ngày vì thiếu đạn

15/05/2015 10:40 GMT+7

(TNO) Một báo cáo gần đây của chính phủ Ấn Độ cho thấy quân đội nước này đang trong tình trạng “khủng hoảng đạn dược”, nên không thể đánh trận kéo dài hơn 20 ngày.

(TNO) Một báo cáo gần đây của chính phủ Ấn Độ cho thấy quân đội nước này đang trong tình trạng “khủng hoảng đạn dược”, nên không thể đánh trận kéo dài hơn 20 ngày.

Xe tăng T-90 của quân đội Ấn Độ phải lệ thuộc vào nguồn đạn từ Nga - Ảnh: Reuters
Cơ quan tổng kiểm toán Ấn Độ (CAG) vừa công bố một báo cho thấy quân đội Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn đạn dược nghiêm trọng, theo chuyên san The Diplomat (Nhật Bản) ngày 14.5. Hiện Ấn Độ chỉ có đủ đạn dược cho 20 ngày tham chiến cường độ cao.
“Dự trữ đạn dược thậm chí ở mức nguy cơ nhỏ nhất có thể chấp nhận được cũng không được đảm bảo”, The Diplomat dẫn nguồn từ báo Hindustan Times (Ấn Độ).
Tính đến tháng 3.2013, có 125 trong tổng số 170 loại đạn dược của quân đội Ấn Độ có lượng dự trữ dưới “mức nguy cơ nhỏ nhất chấp nhận được”, theo CAG.
Hindustan Times cho hay quân đội Ấn Độ phải có đủ dự trữ đạn dược cho ít nhất 40 ngày tham chiến cường độ cao. Tuy nhiên, các kiểm toán viên của CAG phát hiện khoảng 50% trong số các loại đạn dược sẽ cạn kiệt trong vòng 10 ngày tham chiến cường độ cao.
Các nhà phân tích quân sự không mấy ngạc nhiên trước báo cáo của CAG. Quân đội Ấn Độ từng đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng trong vòng ít nhất 16 năm. Chẳng hạn trong 70 ngày của cuộc chiến Kargil năm 1999, Ấn Độ phải mua nhiều loại pháo cần thiết từ Israel với giá cắt cổ.
Hồi năm 2014, tờ Times of India hé lộ quân đội Ấn Độ không thể đánh trận cường độ cao hơn 20 ngày do thiếu thốn đạn dược nghiêm trọng, bao gồm đạn dùng cho xe tăng, hệ thống phòng không, tên lửa dẫn đường chống tăng, đạn súng liên thanh, lựu đạn…
Times of India còn kêu gọi chính phủ Ấn Độ có những biện pháp nhằm tăng cường kho dự trữ đạn dược, có thể làm đầy ở mức 100% vào năm 2019.
Tuy nhiên, các công ty quốc doanh chuyên sản xuất đạn không đủ năng lực sản xuất để cung ứng đầy đủ đạn dược cho quân đội Ấn Độ, CAG cho hay. Hậu quả là Ấn Độ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đạn dược với giá cao.
Chẳng hạn, tổ chức nghiên cứu quốc phòng của Ấn Độ không thể sản xuất loại đạn pháo phù hợp cho đội xe tăng T-90 của nước này. “Đạn pháo sản xuất ở Ấn Độ không tương thích với hệ thống kiểm soát và bắn của xe tăng T-90 do Nga sản xuất”, nhà phân tích quân sự Ấn Độ Vivek Raghuvanshi cho hay.
Hậu quả là Ấn Độ đành phải mua 66.000 viên đạn pháo từ Nga để cung cấp cho xe tăng T-90. Moscow tăng giá 20%, nhưng New Delhi không còn sự lựa chọn nào khác.
Ấn Độ nhập khẩu 310 chiếc tăng T-90 từ Nga và đang tự sản xuất phiên bản nâng cấp của T-90, được gọi là T-90 M. Hiện có tổng cộng 500 chiếc T-90 và T-90 M phục vụ trong quân đội Ấn Độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.