Phong tước cho Hoàng thân Anh: Cơn 'ác mộng' của Thủ tướng Úc Abbott

30/01/2015 16:21 GMT+7

(TNO) Câu chuyện 'ác mộng tước Hiệp sĩ' giờ đã thành cơn 'ác mộng' thực sự cho Thủ tướng Úc Tony Abbott.

(TNO) Câu chuyện 'ác mộng tước Hiệp sĩ' giờ đã thành cơn 'ác mộng' thực sự cho Thủ tướng Úc Tony Abbott. Nhiều cơ quan truyền thông nước này đồng loạt nhắc đến chuyện phế truất ngôi vị lãnh đạo của ông.

Đảng Tự do ở Úc đang “đẩy mạnh các phương án thay thế lãnh đạo” trong bối cảnh Thủ tướng Tony Abbott đứng trước quá nhiều áp lực dư luận, trang Sydney Morning Herald (SMH) ngày 29.1 cho biết.
Câu chuyện tưởng chừng hài hước xung quanh việc ông Abbott đề nghị phong tước Hiệp sĩ cho Hoàng thân Philip trong ngày Quốc khánh Úc 26.1 rốt cục đã trở nên nghiêm trọng hơn người ta nghĩ.
Chuyện “nhỏ mà không nhỏ”
Cũng trong ngày 29.1, trang news.com.au của Úc giật dòng tít “Ác mộng hiệp sĩ của Tony Abbott: Ai có thể thay thế Thủ tướng?”. Bài báo phân tích điểm mạnh, yếu của một số nhân vật đủ uy tín để thay ông Abbott trong tương lai, trong đó có Ngoại trưởng Julie Bishop và cựu lãnh đạo Malcolm Turnbull. Dù khẳng định vị trí của ông Abbott vẫn “an toàn vào thời điểm này”, song ông sẽ phải đối mặt với không ít khó trên cương vị hiện tại.
Ông Abbott đối mặt áp lực lớn hơn dự kiến - Ảnh: Reuters
Theo thông tin từ SMH, các nghị sĩ đảng Tự do đang bàn thảo về người thay thế Thủ tướng. Còn Fairfax Media cho biết các nghị sĩ liên tục gọi điện cho nhau “trong trạng thái kích động về những diễn biến gần đây trong chính quyền Abbott”.
Tại Anh, tờ The Guardian thậm chí đăng bài viết có tựa đề “Những ngày nguy khốn cho Tony Abbott sau quyết định ‘cực kỳ ngốc nghếch’ chọc giận người ủng hộ”.
Câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” của ông Abbott đã nhanh chóng thành chủ đề cho người dân đàm tiếu, qua đó các đảng đối lập nhanh chóng chộp cơ hội thổi phồng câu chuyện và báo chí vào cuộc mạnh mẽ.
Nói như The Guardian, từ chỗ tạo điều kiện cho phe bảo thủ lên tiếng, ông Abbott đã khiến ngay đảng Tự do của chính mình cảm thấy mất niềm tin vào ông.
Hai điểm đáng lo cho ông Abbott
Trên cương vị lãnh đạo, không phải ai cũng hoàn toàn miễn nhiễm với sự soi mói của nhiều phía qua từng hành động, phát biểu của mình. Tuy nhiên, ông Abbott đã vô tình tạo ra sóng gió và khiến sóng gió lớn hơn tưởng tượng khi chạm vào 2 yếu tố nguy hiểm: Tính thời điểm và những người lên tiếng.
SMH cho rằng ông Abbott sẽ phải đối mặt với nhiều phán xét trong thời gian tới, vì đây là lúc nước Úc diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Đầu tiên là cuộc họp của CLB Báo chí quốc gia (National Press Club - NPC) tổ chức vào ngày 2.2 tới. Đây là lần đầu ông Abbott tham dự NPC dưới tư cách Thủ tướng. Ông Abbott sẽ đưa ra những hoạch định chính sách trong năm nay. Tuy vậy, các nhà phê bình đang lo ngại uy tín giảm sút của ông Abbott sẽ ảnh hưởng không tốt cho các chương trình ông đưa ra.
NPC cũng ảnh hưởng lớn đến một sự kiện khác diễn ra sau đó: Cuộc bầu cử ở tiểu bang Queensland, nơi đảng Tự do Newman đang cố gắng giành quyền kiểm soát, nhưng ông Abbott sẽ không được mời đến tham dự. Quan trọng hơn, ngày 9.2 Úc sẽ họp quốc hội.
Điểm thứ hai, góp phần tác động quan trọng cho những ngày khó khăn của ông Abbott nằm ở hai cái tên: Rupert Murdoch và Andrew Bolt.
Andrew Bolt là cựu phó tổng biên tập tờ Herald Sun ở Melbourne, một nhà bình luận tiếng tăm bậc nhất ở Úc. Cụm từ “cực kỳ ngốc nghếch” mà The Guardian sử dụng chính là trích từ phát biểu của Bolt.
Trong khi đó, ông trùm truyền thông thế giới Rupert Murdoch cũng ra mặt chỉ trích cách ông Abbott đòi phong tước Hiệp sĩ cho Hoàng thân Anh, theo tờ Daily Mail hôm 27.1.
Murdoch, ông chủ tập đoàn News Corporation, từng là người ủng hộ ghế Thủ tướng của ông Abbott năm 2013, đã lên Twitter nói thẳng hành động của Abbott là “một trò đùa đáng xấu hổ”. Việc Murdoch thay đổi thái độ có liên quan tới chuyện ông Abbott lờ đi bức xúc của dư luận Úc, trong đó có cả ông Murdoch, trước hàng loạt sai lầm của bà Peta Credlin, Chánh văn phòng Thủ tướng.
Một dòng trên Twitter của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch (phải), cũng có thể thay đổi "cuộc chơi" của ông Abbott - Ảnh: Reuters
Cùng lúc “chọc giận người ủng hộ” gồm những cái tên đình đám ở lĩnh vực truyền thông như Murdoch và Bolt, rõ ràng dù đúng hay sai, uy tín của ông Abbott cũng gặp ảnh hưởng cực xấu.
The Guardian chốt câu chuyện: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Nhiều trong số các yếu tố chính trị là sự tổng hòa bản năng bao gồm cảm xúc và phản ứng. Sau tất cả, đây là một thời đại mà một dòng Twitter 23 chữ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.