Phản ứng trước chiến lược mới của Mỹ

11/01/2012 00:39 GMT+7

Sau khi Mỹ công bố chiến lược quân sự mới sẽ chuyển hướng về châu Á, một số nước trong khu vực bày tỏ thái độ.

Chiến lược trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hồi tuần trước với các điểm chính là cắt giảm lực lượng, tập trung xây dựng đội quân tinh gọn và cơ động nhằm vẫn bảo đảm ưu thế quân sự của nước này trên thế giới, đồng thời tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ theo dõi chặt chẽ sự trỗi dậy “thiếu minh bạch” của Trung Quốc và sẵn sàng đối phó khi có biến cố.

Một số nước châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ rằng sự điều chỉnh của Mỹ sẽ có tác dụng tăng cường an ninh ở khu vực. Cũng có ý kiến, nhất là từ Trung Quốc, cho rằng chiến lược mới có thể gây thêm bất ổn.

Ủng hộ thận trọng

Truyền thông Ấn Độ vài ngày qua đồng loạt đăng bài ủng hộ Mỹ tái khẳng định sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á. Tờ India Times nhấn mạnh tầm quan trọng của câu “sẽ tích cực cùng Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” trong báo cáo chiến lược quân sự mới của Mỹ và cho rằng điều chỉnh của Mỹ sẽ giúp châu Á có nhiều lựa chọn hơn. Tờ Hindustan Times dẫn lời một số nhà phân tích nói sắp tới có thể sẽ hình thành một số liên kết quân sự mới trong khu vực nhưng đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định chứ không nhằm vào một quốc gia nào và Trung Quốc “không nên lo sợ”.

 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm tàu chiến USS Blue Ridge tại Nhật Bản - Ảnh: DOD 

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hoan nghênh sự có mặt của đồng minh Mỹ nhưng lo ngại rằng việc nước này cắt giảm chi phí và lực lượng sẽ ảnh hưởng khả năng duy trì an ninh và tăng thêm gánh nặng cho Seoul và Tokyo, nhất là trong bối cảnh tình hình mới trên bán đảo Triều Tiên. Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuo Ichikawa trấn an dư luận rằng kế hoạch cắt giảm của Washington sẽ không ảnh hưởng tới an ninh của Tokyo. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định sẽ duy trì một lực lượng hoạt động hiệu quả tại Hàn Quốc. “Chiến lược mới sẽ không ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Hàn, vốn là một trụ cột an ninh tại Đông Á”, Yonhap dẫn lời một quan chức của Lầu Năm Góc nói.

Về phần Úc, đại sứ nước này tại Washington Kim Christian Beazley nói trên Đài phát thanh quốc gia rằng chiến lược mới của Mỹ không nhằm cô lập hay đối đầu ai cả. Theo ông, nó thể hiện ý định của Washington muốn ủng hộ nỗ lực ngăn chặn đụng độ có thể nảy sinh từ các tranh chấp chủ quyền trong khu vực và điều này cũng rất quan trọng đối với Canberra. Tuy nhiên, ông Beazley cảnh báo chiến lược mới không nên uy hiếp Trung Quốc và ảnh hưởng tới quan hệ thương mại Úc - Trung. Trong khi đó, theo Channel News Asia, ASEAN hoan nghênh Mỹ “quay lại” nhưng nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế.

Trung Quốc lo ngại

Ngược lại, Trung Quốc tỏ thái độ khá mạnh. Ngày 9.1, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lưu Vị Dân tuyên bố: “Những cáo buộc trong tài liệu quốc phòng của Mỹ là vô căn cứ và không đáng tin. Trung Quốc phát triển quốc phòng vì mục đích tự vệ, bảo vệ hòa bình và không nhằm vào nước nào”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng qua phát ngôn của Cảnh Nhạn Sinh: “Chúng tôi đã cảnh báo về sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ tác động của nó đối với châu Á - Thái Bình Dương và an ninh toàn cầu. Những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở”.

Trước đó, Tân Hoa xã đăng bài xã luận viết: “Vai trò tích cực của Mỹ có lợi cho cả khu vực nói chung và Trung Quốc nói riêng. Tuy nhiên, điều này chỉ thành hiện thực nếu Mỹ kiềm chế và không có các hành động phô trương sức mạnh”. Thời báo Hoàn Cầu vốn nổi tiếng là có quan điểm cứng rắn thì cáo buộc Mỹ “muốn bao vây, đối phó” Trung Quốc và kêu gọi chính phủ “tăng cường khả năng hành động tầm xa và ngăn chặn Mỹ hơn nữa”. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân còn phát biểu trên tờ China Daily rằng các nước châu Á không nên có “lối suy nghĩ như thời chiến tranh lạnh” trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực. Giới quan sát cho rằng ý kiến này nhằm vào việc nhiều nước tỏ ra ủng hộ chiến lược quốc phòng mới của Mỹ.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.