Ông hoàng vật lý Stephen Hawking

07/09/2010 13:27 GMT+7

(TNO) Bại liệt toàn thân, không nói được, sức khỏe kém, nhà vũ trụ và vật lý học người Anh Stephen Hawking vẫn miệt mài tận hiến cho nền khoa học vũ trụ của thế giới.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu vũ trụ

Năm nay Stephen Hawking đã bước qua tuổi 68, nhưng ông vẫn được coi là người có ảnh hưởng lớn đến nền toán học và vật lý của thế giới.

Trong gần 50 năm làm việc tại Đại học Cambridge (Anh), ông dành phần lớn thời gian để tập trung nghiên cứu lý thuyết về vũ trụ và hấp dẫn lượng tử nhằm làm rõ nguồn gốc vũ trụ.

Hawking còn sở hữu nhiều công trình nghiên cứu vật lý, thiên văn nổi tiếng thế giới. Bằng một lối trình bày trong sáng, giọng văn hài hước qua nhiều cuốn sách của mình, Stephen Hawking đã dẫn dắt người đọc phiêu lưu suốt chiều dài lịch sử vũ trụ, từ khi nó còn là một điểm kỳ dị với năng lượng vô cùng lớn, cho tới ngày nay.

Báo Telegraph (Anh) cho rằng Lược sử thời gian của Stephen Hawking là quyển sách khoa học thuộc hàng bán chạy nhất mọi thời đại, được in đến 9 triệu bản và phát hành trên toàn thế giới.

Ít người biết rằng "ông hoàng vật lý" Stephen Hawking có một người con gái nuôi ở Việt Nam. Cô gái đó tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn, sinh năm 1980. Và năm 1997, Stephen Hawking đã cùng vợ bay sang Việt Nam thăm con gái nuôi của mình.

Năm 1981, Hawking tuyên bố rằng vũ trụ không có biên giới nhưng lại hữu hạn trong không gian và thời gian. Hai năm sau đó, ông đã chứng minh luận điểm trên bằng toán học.

Hawking từng nhận nhiều huân huy chương vì sự tận hiến của mình cho nền khoa học thế giới, trong đó phải kể đến Huy chương Albert Einstein, Huân chương Tự do Tổng thống (Mỹ), Huy chương vàng của Hội thiên văn học Hoàng gia Anh…

Nên tránh mặt thế lực ngoài hành tinh

Để có được những thành tích kỳ diệu ấy, Hawking đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Theo Hawking.org.uk, trong thời gian làm luận án tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh), Hawking bị mắc một chứng bệnh về thần kinh có tên Lou Gehrig, khiến ông gần như bại liệt toàn thân. Ngoài ra, ông cũng không nói được, mà chỉ có thể cử động các cơ nhỏ trên mặt để giao tiếp. 

Các bác sĩ đã khẳng định rằng ông không thể sống đủ lâu để hoàn thành luận án tiến sĩ được.

 
Giáo sư Hawking giao tiếp thông qua máy vi tính - Ảnh chụp từ Youtube

Giáo sư Hawking thường nói chuyện, giảng dạy thông qua chiếc máy tính gắn trên xe lăn. Ông chỉ việc gõ vào máy tính và chương trình tổng hợp tiếng nói sẽ phát ra lời của ông.

Đặc biệt, máy tính này còn có "mắt thần" nhận biết cử chỉ của Hawking và phát thành tiếng nói.

Liên quan đến vấn đề sinh vật ngoài trái đất, giáo sư Hawking từng nói với kênh Discovery Channel rằng: Gần như chắc chắn có sự tồn tại của người ngoài hành tinh nhưng con người chúng ta phải tìm mọi cách để tránh mặt họ.

Theo BBC, Stephen Hawking cũng tuyên bố con người sẽ rời khỏi trái đất sau 200 năm nữa để tìm đến một hành tinh láng giềng nào đó.

Ông cho rằng theo quan điểm khoa học, điều này là cần thiết vì dân số tăng lên quá đông. 

Năm 2007, Stephen Hawking đã trải nghiệm cảm giác không trọng lực trên chuyến bay đặc biệt bằng chuyên cơ Boeing 727, cất cánh tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida, Mỹ.

Đó là lần đầu tiên giáo sư Hawking được nhấc bổng khỏi chiếc xe lăn và bay lơ lửng trên không.

Qua chuyến bay để đời nói trên, giáo sư Hawking khẳng định: "Tôi muốn chứng minh rằng con người không hề bị các khiếm khuyết về thể chất làm cho họ nhụt chí, trừ khi họ bị khiếm khuyết về tinh thần".

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.