Nước cờ Syria lại ghi điểm cho Tổng thống Putin

03/10/2015 14:00 GMT+7

(TNO) Những quyết định mang tính đối kháng trực tiếp đã luôn là nước cờ để Tổng thống Putin giành được sự ủng hộ của người Nga, và tình hình Syria hiện tại cũng thế.

(TNO) Những quyết định mang tính đối kháng trực tiếp luôn là nước cờ để Tổng thống Putin giành được sự ủng hộ của người Nga, và Syria hiện tại cũng thế, trang The Huffington Post phân tích.

Báo chí Mỹ đánh giá việc Nga không kích các tay súng nổi dậy ở Syria là hành động cao tay của Tổng thống Putin - Ảnh: AFPBáo chí Mỹ đánh giá việc Nga không kích các tay súng nổi dậy ở Syria là hành động cao tay của Tổng thống Putin - Ảnh: AFP

Trong tuần, tâm điểm của sự chú ý tại Syria là việc Nga chính thức triển khai các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Động thái này gây nhiều tranh cãi, phản đối từ phía Mỹ và lực lượng đồng minh. Người ta nói nhiều về lý do đằng sau việc ông Putin thực hiện “nước cờ thần tốc” này, khi nó chóng vánh diễn ra sau khi Tổng thống Nga gặp Tổng thống Mỹ tại New York. Và có thể nói, Syria đang thực sự là điểm tựa cho người đứng đầu Điện Kremlin.

Thay đổi trên bàn nghị sự Paris

Phía Mỹ và đồng minh tỏ ra đã “thành công” trong việc cáo buộc Nga không chỉ đánh vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà còn nhằm vào những tay súng cực đoan nói chung, tất nhiên gồm cả những người chống chính quyền Tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Nhưng điều này dẫu đúng hay sai, có vẻ đã đi đúng theo tính toán của Tổng thống Nga Putin.

Thứ sáu 2.10 là ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Pedro Poroshenko. Cuộc đàm phán của “bộ tứ Normandy” lấy trọng tâm là thỏa thuận ngừng bắn miền đông Ukraine.

Bàn nghị sự ở Paris đã chuyển trọng tâm từ Ukraine sang... Syria - Ảnh: ReutersBàn nghị sự ở Paris đã chuyển trọng tâm từ Ukraine sang Syria - Ảnh: Reuters

Thế nhưng ngay từ đầu, báo chí Mỹ và thế giới đã nhanh chóng cho rằng vụ Syria sẽ lấn át hoàn toàn cuộc gặp gỡ này. Và không ngoài dự đoán, tiến trình thỏa thuận Minsk nhiều khả năng sẽ phải đợi sang năm 2016 mới tiếp tục, Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Hollande nói hôm 2.10.

Trong bài viết ngày 2.10, trang The Huffington Post cho rằng mục tiêu của Tổng thống Putin là “đảm bảo phần còn lại của Ukraine không trượt khỏi quỹ đạo của Nga”, nhằm ngăn chặn việc Ukraine tiếp tục hướng về phương Tây.

Với việc triển khai không kích tại Syria, ông Putin đã nhắc nhở phương Tây về sự hiện diện của Nga tại Trung Đông và bảo vệ lập trường của Điện Kremlin trong việc ủng hộ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad.

Ông Assad là người cho phép Nga xây dựng căn cứ hải quân ở Tartus, dọc theo bờ biển Syria. Và cũng như ở Ukraine, ông Putin không muốn Nga bị đẩy ra ngoài những khu vực trọng điểm và mất vị thế.

Nói cách khác, sự thay đổi trên bàn nghị sự Paris, tức chuyển vấn đề từ miền đông Ukraine sang Syria, là một nước cờ hay giúp Nga đạt được mục đích giữ lấy vị thế ở cả hai trục có nguy cơ tranh chấp tầm ảnh hưởng cùng lúc.

Ông Putin tiếp tục “ghi điểm”

Có một chi tiết được báo chí Mỹ nhắc lại rất nhiều về Tổng thống Putin trong những ngày qua, khi nói đến quyết định không kích tại Syria: Tỉ lệ ủng hộ ông trong nước Nga tăng cao.

Tạp chí TimeThe Huffington Post đều thống nhất cho rằng việc không kích ở Syria tiếp tục là một pha “ghi điểm” của người đứng đầu Điện Kremlin, xét những điều tương tự diễn ra trong quá khứ.

Khi Boris Yeltsin bổ nhiệm ông Putin vào ghế Thủ tướng năm 1999, ông Putin chỉ nhận 31% sự ủng hộ ở Nga, thậm chí 37% người Nga khi ấy không biết ông là ai, The Huffington Post cho biết. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ đánh bom ở Moscow, ông Putin nói rằng Chechnya phải chịu trách nhiệm và hứa sẽ “đẩy Chechnya xuống hố xí”. Và vào năm 2000, có 84% người Nga ủng hộ ông Putin.

Người Nga không hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại, nhưng họ vẫn tin vào tài lãnh đạo của Tổng thống Putin và đánh giá cao việc giữ vị thế của nước Nga trên trường quốc tế - Ảnh: ReutersNgười Nga không hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại, nhưng họ vẫn tin vào tài lãnh đạo của Tổng thống Putin và đánh giá cao việc giữ vị thế của nước Nga trên trường quốc tế - Ảnh: Reuters

The Huffington Post lý giải rằng việc đổ lỗi cho người khác, từ đó đem chiến thắng về cho Nga chính là “bí quyết” giữ lấy sự ủng hộ của ông Putin.

Tương tự, sau khi Ukraine lật đổ cựu tổng thống Viktor Yanukovich, nhân vật thân Nga vào năm 2014, ông Putin đã đáp trả bằng việc sáp nhập bán đảo Crimea theo ý nguyện của những người Nga tại đây, theo Time. Mức độ ủng hộ ông tại Nga tăng từ 65% lên 80%.

Ở thời điểm này, ông Putin gặp khó khăn nhiều hơn từ việc nền kinh tế Nga suy thoái quá nhiều so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên trong bối cảnh này, việc đổ lỗi cho sự trừng phạt kinh tế của phương Tây vẫn khiến 90% người Nga “có niềm tin vào việc ông Putin hành xử đúng trên trường quốc tế” và 2/3 số người tin vào khả năng lãnh đạo của ông, theo The Huffington Post.

Ở một vài thời điểm, người Nga muốn thấy Tổng thống Putin lo “việc nhà” trước, tức giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga. Tuy nhiên ông Putin vẫn có thể trì hoãn việc đó bằng những chiến thắng trên trường quốc tế, lấy vị thế hàng đầu của Nga làm niềm tự hào cho người dân. Và một lần nữa, cuộc không kích tại Syria có vẻ sẽ đem lại những gì có thể cho ông Putin và sự ủng hộ của người Nga dành cho ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.