Nữ thẩm phán Hy Lạp đổi sang hành nghề... thủ tướng

28/08/2015 10:34 GMT+7

(TNO) Chánh án tòa án tối cao Hy Lạp, bà Vassiliki Thanou đã tạm thời chia tay chức vụ này để tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lâm thời của Hy Lạp hôm 27.8. Bà cũng là nữ thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp.

(TNO) Chánh án tòa án tối cao Hy Lạp, bà Vassiliki Thanou đã tạm thời chia tay chức vụ này để tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lâm thời của Hy Lạp hôm 27.8. Bà cũng là nữ thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp.

Tân Thủ tướng Hy Lạp, bà Vassiliki Thanou từng là Chánh án tòa án tối cao - Ảnh: Reuters
Hiện bà Thanou đang ráo riết thành lập chính phủ để đưa vào vận hành ngay trong ngày hôm nay 28.8, trước khi Hy Lạp tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng tới, có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 20 - 27.9, theo BBC.
Trong công bố đầu tiên từ văn phòng thủ tướng, bà Thanou nói rằng mặc dù bà chỉ điều hành chính phủ tạm thời nhưng "tin rằng chính phủ này cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề quan trọng". Bà đã đề cập đến vấn đề nhập cư ở Hy Lạp là một trong những "vấn đề quan trọng", theo tin AP.
Được biết bà Thanou, 65 tuổi, đã được Tổng thống Procopis Pavlopoulos chỉ định làm thủ tướng tạm quyền sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức hồi tuần trước và các đảng lớn nhất của Hy Lạp không thể kịp thời thành lập chính phủ thay thế.
Ông Tsipras đã từ chức với mong muốn sẽ thành lập được một chính phủ với những tiếng nói đồng thuận mạnh mẽ hơn sau cuộc bầu cử, giúp ông có thể mạnh tay lèo lái đất nước giữa những yêu cầu thắt lưng buộc bụng khắc khổ của các chủ nợ, đổi lấy gói cứu trợ thứ ba cho nền kinh tế Hy Lạp, trị giá tới 86 tỉ USD. Ông từ chức chỉ 7 tháng sau nhiệm kỳ lẽ ra kéo dài tới 4 năm.
Trước đó, ông Tsipras gặp sự phản đối gay gắt từ nhiều người dân vì các biện pháp siết chặt chi tiêu, cắt giảm trợ cấp xã hội. Ngay cả trong nội bộ đảng Syriza của ông cũng có không ít sự phản đối trước việc ông đồng ý cắt giảm lương bổng và tăng thuế theo đòi hỏi của các chủ nợ.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã khiến nhiều người dân Hy Lạp nổi giận và hành động quá khích - Ảnh: AFP
Trước đó, khi vận động tranh cử, ông Tsipras đã phản đối thực thi các biện pháp khắc khổ, nhưng đã thay đổi chính sách chẳng bao lâu sau khi lên cầm quyền để nhận được các gói cứu trợ khổng lồ, giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và có thể ở lại khu vực đồng euro.
Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định rằng đảng của ông Tsipras vẫn có nhiều triển vọng thắng cử nhất trong cuộc bầu cử sắp tới, chỉ chưa rõ liệu ông có đủ phiếu để tự mình thành lập chính phủ hay không mà thôi. Trong bối cảnh đang có chia rẽ gay gắt giữa các đảng phái, thành lập chính phủ liên minh sẽ là điều không dễ dàng với Tsipras.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.