Những tên phát xít tại tòa án Nurnberg

14/10/2006 19:52 GMT+7

Tháng 10/2006 này là tròn 60 năm ngày Tòa án quốc tế Nurnberg kết thúc phiên xét xử những tên phát xít Đức vì tội ác chống lại loài người trong Thế chiến II. Khác với phiên tòa xét xử các cựu tổng thống Slobodan Milosevic và Hussein Saddam, phiên xử tại Nurnberg không gây ra sự nghi hoặc của bất cứ ai và nhận được sự đồng thuận của các quốc gia chiến thắng trong Thế chiến II.

Hòa đồng trong hành động

Tất cả các nước tham chiến Thế chiến II đều xét xử bọn phát xít Đức. Lúc đầu ở từng nước thành lập tòa án để đưa ra vành móng ngựa những kẻ phạm tội trên lãnh thổ mình, sau đó Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đề nghị các quốc gia đồng minh thành lập tòa án chung để xét xử.

Địa điểm tiến hành phiên tòa được chọn là Nurnberg - thành phố mà bọn phát xít theo thông lệ thường sử dụng để tiến hành đại hội đảng Công nhân quốc gia xã hội Đức (NSDAP) của Hitler. Trung tâm Nurnberg tuy bị máy bay liên quân Anh - Mỹ ném bom tàn phá, nhưng Tòa nhà lớn của tòa án vẫn còn nguyên vẹn.

Để tuân thủ các nguyên tắc của tòa án, mỗi một nước chiến thắng đều chỉ định một thành viên của tòa án và một công tố viên, còn luật sư là những người Đức. Các công tố viên của tòa án phối hợp với nhau khá tốt, chẳng hạn công tố viên Mỹ được tin tưởng phát biểu về "Tội ác chống lại Liên Xô", còn công tố viên Liên Xô - "Tội ác chống lại loài người".

Khối hồ sơ khổng lồ

Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP - bị tuyên án tử hình vắng mặt. Ảnh: Wikipedia

Ngày 20/11/1945 bắt đầu phiên tòa Nurnberg. Trong số các tên trùm phát xít thì Adolf Hitler, Joseph Gebbels, Heinrich Himmler đã tự tử, còn lại 22 tên đứng trước vành móng ngựa. Trong số này có Hermann Goering nhân vật số 2 sau Hitler, Phó chủ tịch NSDAP Rudolf Hess, Bộ trưởng ngoại giao Friedrich Wilhelm... Ngoài ra, còn một chỗ trống dành cho Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP, đã lẩn trốn mất dạng vào ngày 1/5/1945.

Tất cả có 403 phiên xử, 116 nhân chứng được mời, hơn 5.000 hồ sơ chứng cứ, 200 tấn giấy trong đó chứa đựng cái chết của hàng triệu sinh mạng. Chỉ riêng phần ghi chép tiếng Nga đã hợp thành 39 tập sách dày, còn phần dịch sang tiếng Đức cho các luật sư người Đức là 39 triệu trang.

Trong tất cả các bị cáo, khó khăn nhất là phần luận tội Goering. Hắn ta đóng kịch rất giỏi và luôn khẳng định rằng, Hitler tấn công Liên Xô nhằm lật đổ Stalin. Khi công tố viên Mỹ không buộc tội được Goering, người đồng nghiệp phía Nga là Roman Rydenko hỏi hắn: “Ông có tham gia vào việc soạn thảo kế hoạch tấn công Liên Xô?”. Hắn ta đáp: “Có”. Cứ thế, công tố viên Liên Xô dồn Goering vào chân tường, kể cả vụ bọn phát xít dùng súng thảm sát dã man người Do Thái tại thành phố Kyslovod ở phía nam Liên Xô.

Những bản án thích đáng

Sau gần 1 năm xét xử, ngày 1/10/1946, Tòa án quốc tế Nurnberg đã tuyên án những tên trùm phát xít. Án tử hình (treo cổ) được tuyên cho người kế nhiệm Hitler, Bộ trưởng Hàng không Hermann Goering, Bộ trưởng ngoại giao Friedrich Wilhelm, tướng Wilhelm Keitel - người đã ký vào văn kiện đầu hàng đồng minh của bọn phát xít, lãnh đạo ngành an ninh Ernst Kaltenbrunner, Bộ trưởng phụ trách Đông u Alfred Rosenberg, Tướng toàn quyền ở Ba Lan Hans Frank, Bộ trưởng nội vụ Wilhelm Frick, nhà tư tưởng bài Do Thái Julius Streicher, Toàn quyền quản lý nguồn nhân lực nước ngoài Sauckel Friz, lãnh đạo tổng hành dinh tác chiến Alfred Yodl, đại diện của Đức quốc xã tại Hà Lan Seyss-Inquart và tử hình vắng mặt Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP. Trước đó, lãnh đạo Mặt trận lao động (công đoàn) Đức Robert Ley đã treo cổ tự vẫn trong nhà giam. Tất cả các đơn kháng án cũng như đơn đề nghị dùng hình thức xử bắn thay cho treo cổ đều bị tòa án bác bỏ.

Tên tù nhân phát xít cuối cùng tại nhà tù Spandau. Ảnh: Wikipedia

Vào đêm 15 rạng sáng ngày 16/10/1946, toàn bộ 12 tên lĩnh án tử hình nêu trên được đánh thức. Người ta dọn cho bọn chúng bữa ăn cuối cùng gồm xúc xích và sa-lát rau quả hoặc bánh xèo và hoa quả để tự lựa chọn. Người đầu tiên cần phải lên giá treo cổ là Hermann Goering, nhưng trước đó một giờ hắn ta đã uống xianua cho nên Friedrich Wilhelm là tên được đưa ra thay thế. Hắn ta tự xưng tên sau khi nghe quyết định thi hành án, sau đó được đưa lên giá treo cổ, bị trói tay, trói chân và được phép nói lời cuối cùng.

Để thi hành án, phía Mỹ đã cử chuyên gia sừng sỏ - đao phủ từ Texas là James Woods đến. Bộ trưởng ngoại giao Friedrich Wilhelm của bọn phát xít Đức là tử tù thứ 348 mà James Woods thi hành án. Tuy nhiên trong ngày này, công việc đối với James Woods không hoàn toàn suôn sẻ: phải đến 10 phút sau thì Friedrich Wilhelm mới tắt thở, còn Alfred Yodl - 18 phút và Wilhelm Keitel - 24 phút. Thi thể của bọn chúng được hỏa thiêu và tro được mang lên máy bay, rải vào không trung. James Woods không có nhiều thời gian để hồi tưởng lại những gì mà ông ta thực hiện tại Nurnberg, bởi chỉ 4 năm sau đó ông ta qua đời, trong khi tiến hành thử nghiệm phương tiện thi hành án tử hình mới: ghế điện.

Và cái chết của tên tù cuối cùng

Ngoài các tên bị treo cổ nêu trên, cũng khá lạ lùng khi Phó chủ tịch NSDAP Rudolf Hess, Thống đốc ngân hàng Walther Funk, Tư lệnh lực lượng hải quân Đức Erich Raeder chỉ lãnh án tù chung thân. Trong khi đó Bộ trưởng quốc phòng Albert Speer, lãnh đạo tổ chức thanh thiếu niên phát xít Baldur von Schirach nhận 20 năm tù, toàn quyền tại Czech là Von Neurath - 15 năm tù, tư lệnh lực lượng tàu ngầm Karl Denits - 12 năm tù.

Vào năm 1954, sau khi thụ án được 8 năm, Von Neurath được tha bổng, còn năm sau - 1955, sau 9 năm tù giam, Erich Raeder được phóng thích vì lý do sức khỏe và tuổi tác. Một năm sau nữa - 1956, Karl Denits được tha, còn đến năm 1957, sau 11 năm thụ án chung thân, Walther Funk được trả tự do. Tất cả bọn chúng đều thụ án tại nhà tù Spandau ở phía Tây Berlin. Đại diện của phía Liên Xô tại nhà tù này lúc ấy là thiếu tá Leonit Baraskov (hiện là thượng tá về hưu) nhớ lại: Lúc ấy trong nhà tù Spandau có 350 phòng giam. Cuối cùng chỉ còn lại 3 tên Rudolf Hess, Albert Speer, Baldur von Schirach, bọn chúng không có biểu lộ hay tính toán ý đồ vượt tù, hơn nữa các quản giám nhà tù canh phòng rất nghiêm ngặt.

Tướng Wilhelm Keitel - người đã ký vào văn kiện đầu hàng đồng minh. Ảnh: Wikipedia 

Mỗi một tên tù đều mặc quần áo có số được vẽ bằng sơn trắng. Schirach mang áo số 1, Speer số 5 và Hess số 7. Bọn chúng sống với nhau không mấy hữu hảo. Speer rất ít khi trò chuyện cùng Hess và Schirach. Hess có chiều cao 1,7m nhưng cân nặng chỉ 50 kg, hắn ta nằm trong buồng giam nhưng thường mở ô cửa nhỏ ở phía trên, khi nhiệt độ bên ngoài chỉ còn 5 - 10 độ C, hắn chỉ đắp một chiếc khăn trải giường mỏng. Gương mặt của Hess lúc nào trông cũng dữ tợn.

Khi thời tiết đẹp, những tên tù được đưa ra ngoài sân trong khuôn viên nhà tù. Lúc ấy Speer - kiến trúc sư được Hitler yêu thích - thường lấy những viên gạch vỡ quanh đó để làm và trồng một bồn hoa, còn Hess và Schirach ngồi đọc báo hay trò chuyện với nhau. Đến năm 1966 thì Speer và Schirach được trả tự do, còn Hees tự tử vào năm 1987: Trong thời gian được phép đi dạo, hắn dùng một sợi dây điện để treo cổ. Hess là tên tù cuối cùng trong số những tội phạm chiến tranh bị giam ở nhà tù Spandau.

60 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa Tòa án quốc tế Nurnberg vẫn còn nguyên ý nghĩa: Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tòa án này cho thấy các nguyên tắc nhân đạo và giá trị chung của loài người còn cao hơn luật pháp riêng lẻ của các quốc gia.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.