Những cú lừa ngoạn mục trong ngày Cá tháng tư

01/04/2015 13:02 GMT+7

(TNO) Các báo đài khắp nơi trên thế giới đã phát huy tối đa năng lực của mình mà đi… lừa thiên hạ trong ngày Cá tháng tư. Nhưng đừng 'tưởng bở', những hãng tin danh tiếng nhất cũng từng lãnh chưởng 'gậy ông đập lưng ông'.

(TNO) Các báo đài khắp nơi trên thế giới đã phát huy tối đa năng lực của mình mà đi… lừa thiên hạ trong ngày Cá tháng tư. Nhưng đừng “tưởng bở”, những hãng tin danh tiếng nhất cũng từng lãnh chưởng “gậy ông đập lưng ông”.

Dưới đây là những cú lừa “đáng ghét” nhất của giới truyền thông “to mồm” và những đòn thù “đáng đời” nhất mà họ từng lãnh:
1.  Trồng mì spaghetti
Cú lừa của hãng truyền thông BBC được mệnh danh là “trò xỏ lá khủng nhất của một cơ quan truyền thông có danh tiếng”: thu hoạch mì spaghetti trên cây. Vào năm 1957, chương trình truyền hình Panorama của BBC chiếu cảnh người dân Thụy Sĩ đang thu hoạch spaghetti. Vào thời đó mà tin tức lan nhanh như tên bắn, thiên hạ bàn tán xôn xao, BBC thì nhận được hàng trăm cú điện thoại của khán giả hỏi về kỹ thuật trồng cây mì spaghetti.
Viễn cảnh leo lên cây hái mì spaghetti quả là quá hấp dẫn - Ảnh: Shutterstock
2.  Hô biến tivi trắng đen thành tivi màu
Chiêu ảo thuật này do một đài truyền hình ở Thụy Điển hướng dẫn công chúng vào năm 1962. Theo đài này thì chỉ cần dùng vớ da (loại vớ mỏng bó sát phụ nữ hay dùng khi mặc đầm) giăng trước màn hình, tivi trắng đen sẽ có màu. Thế là các hàng vớ da trúng mánh.
3.  Chim cánh cụt biết bay
Lại là BBC đi lừa thiên hạ. Lần này là một phim tư liệu rất tỉ mỉ thông báo các nhà khoa học đã phát hiện một bầy chim cánh cụt biết bay. Trong phim, nhà sản xuất nổi tiếng Terry Jones xuất hiện giữa bầy chim cánh cụt ở Nam Cực, sau đó theo dấu của chúng để vào tận rừng rậm Amazon.
4.  U2 trình diễn ở Cork
Hằng trăm “fan” của U2 đã náo nức đi xem ban nhạc này trình diễn bất ngờ tại Cork (Ireland) theo thông báo từ đài phát thanh RedFM. Khi khán giả đã có mặt đông đủ, một ban nhạc đóng giả làm U2, tự xưng là U2Utopia ra trình diễn “tạm”.
Hằng trăm "fan" của U2 từng lĩnh chưởng ngày 1.4 - Ảnh: Reuters
5.  Mua biểu tượng của nền độc lập Mỹ
Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Taco Bell hồi năm 1996 quảng cáo nguyên trang trên báo New York Times, thông báo đã mua đứt Liberty Bell (Chuông tự do, biểu tượng của nền độc lập Mỹ) và đổi tên nó thành Taco Liberty Bell. Giải thích “thương vụ” này, Taco nói rằng nó giúp nước Mỹ giảm bớt gánh nặng nợ nần! Khối ông nhà báo lão luyện tin ngay, đem chuyện này mà chất vấn Nhà Trắng. Thư ký báo chí Nhà Trắng lúc bấy giờ là Mike McCurry bồi thêm một vố tiếp theo: ngay cả khu tưởng niệm Lincoln cũng đã bán đứt rồi và tên mới của nơi này là Lincohn Mercury Memorial.
6.  AP cũng phải ôm hận
Ai cũng biết AP là một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới phủ tin tức khắp hành tinh. Nhưng vào năm 1983, một giáo sư lịch sử tên Joseph Boskin của Đại học Boston (Mỹ) đã lừa hãng này ngoạn mục khi “tiết lộ” với AP là ông đã có những phát hiện mới về nguồn gốc của ngày Cá tháng tư. Với những giải thích, viện dẫn rất hàn lâm, Boskin đã khiến AP đăng nguyên bài về phát hiện mới ngay trong ngày Cá tháng tư, tưởng rằng mình đang đăng tin nghiêm túc.
7. Lừa dân đánh cờ
Nhà báo viết mảng khoa học ở Mỹ Martin Gardner hồi năm 1975 viết một bài công bố nước đi đầu tiên ưu việt nhất trong cờ vua. Gardner lừa rằng một nhóm kỹ sư của Viện công nghệ Massachusetts đã tìm ra nước đi đó nhờ một chương trình máy tính.
8. Tony Blair giả gọi điện cho Nelson Mandela thật
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lúc sinh thời từng hứng trọn một cú lừa của Nic Tuff, người dẫn chương trình đài phát thanh West Midlands ở Anh. Tuff giả vờ làm Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair. Ông Mandela rất vui vẻ trả lời “ông bạn” ở xứ sở sương mù, không hề biết rằng mình bị lừa cho đến khi Tuff “vô tình” hỏi: “Anh làm gì trong ngày Cá tháng tư?”.
Đến chính trị gia lão luyện như ông Mandela cũng bị lừa - Ảnh: Reuters
9. “Đẻ ra” một quốc gia
San Serriffe là tên của một đảo quốc do tờ báo Anh Guardian khai sinh ra, trở thành một trong những cú lừa Cá tháng tư được nhắc tới nhiều nhất. Vào năm 1977, Guardian đã xuất bản một phụ trương kèm báo dày tới 7 trang mô tả về đất nước San Serriffe xinh đẹp. Phụ trương được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm ngày độc lập của đảo quốc này, kèm theo rất nhiều quảng cáo từ các công ty lớn của San Serriffe. Hẳn là nhiều người muốn tìm cơ hội hợp tác làm ăn hay chí ít là đi du lịch.
10. Lại là BBC
Hãng truyền thông nước Anh chưa bao giờ chịu dừng trong các trò chơi xỏ thiên hạ. Vào năm 1975, BBC Radio 2 dẫn lời một nhà thiên văn học nổi tiếng, Sir Patrick Moore bảo rằng do sự xếp thẳng hàng rất ngẫu nhiên và chưa từng có tiền lệ của hai hành tinh trong ngày 1.4, mọi người sẽ được trải nghiệm “cảm giác bồng bềnh lạ lùng”. Lời “tiên tri” ép phê đến độ nhiều thính giả phản hồi với BBC rằng họ đã trải nghiệm cảm giác này. Chẳng hạn một phụ nữ bảo bà cùng 11 người bạn đã “lướt nhẹ trên ghế mà di chuyển quanh phòng”. BBC tất nhiên hào hứng đăng tải các “phản hồi dễ thương” này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.