Nhật điều 40% quân số cứu hộ nạn nhân thảm họa

14/03/2011 00:48 GMT+7

* Có thể hơn 10.000 người thiệt mạng Nhật Bản đã tăng gấp đôi số binh sĩ tham gia chiến dịch tìm kiếm người sống sót sau động đất, sóng thần với sự hỗ trợ của thế giới.

Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa cho hay theo lệnh của Thủ tướng Naoto Kan, số binh sĩ tham gia công tác cứu hộ sẽ được triển khai gấp đôi so với ban đầu. Theo đó, 100.000 lính, chiếm 40% Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, được điều động đến vùng bị nạn trong 1 hoặc 2 ngày tới. “Vẫn còn rất nhiều người đang bị cô lập và chờ đợi bàn tay cứu giúp,” ông Kitazawa nói.


Nhân viên cứu hộ tìm thấy một bé gái từ tòa nhà đổ nát tại tỉnh Miyagi - Ảnh: Reuters

Quyết định trên được đưa ra sau khi thiệt hại đang dần được thống kê rõ ràng hơn. Chỉ tính riêng một thị trấn nhỏ ven biển tên Minamisanriku gần tỉnh Miyagi, Đài truyền hình NHK cho hay vẫn chưa xác định được tung tích của khoảng 10.000 người và cảnh sát địa phương đưa ra dự đoán kinh khủng: có thể tất cả đều đã thiệt mạng. Có thông tin cảnh sát và quân đội tìm thấy hàng trăm thi thể dọc theo bờ biển đã bị sóng thần tàn phá dữ dội, trong đó có thêm 200 xác vào hôm qua. Tại tỉnh Iwate, phía bắc khu vực bị tàn phá nặng nhất là Miyagi, nhiều thi thể đã được phát hiện dưới đống đổ nát ở thành phố Rikuzentakata, theo Kyodo News. Khoảng 5.000 ngôi nhà tại đây bị ngập trong nước lũ, và chỉ có 5.900 người trong số khoảng 23.000 dân đến được chỗ trú công cộng. Giới chức quận Iwate vẫn chưa liên lạc được với thị trưởng và quan chức ở Otsuchi sau khi tòa thị chính địa phương bị sóng thần quét bay mất.

Do tình hình vẫn còn hỗn loạn và các cuộc cứu hộ vẫn đang diễn ra nên các con số thống kê thương vong chính thức có nhiều khác biệt. Đến chiều qua, theo cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trận động đất đã làm 801 người chết, 1.570 người bị thương và gần 600.000 người phải sơ tán. AP dẫn nguồn tin từ chính quyền cho biết có ít nhất 1.400 người chết, 1.700 người bị thương.

Thế giới mở rộng vòng tay

Trước thảm cảnh tại Nhật Bản, nhiều nước đã lên tiếng chia buồn và cung cấp hỗ trợ, từ đồng minh thân cận đến các đối thủ truyền thống. Bất chấp quan hệ đang không mấy êm đẹp, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đều gửi điện chia buồn. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đội ngũ cứu hộ gồm 15 người Trung Quốc đã đến nước này vào trưa qua. Bên cạnh đó, tính đến sáng 13.3, 69 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 5 tổ chức cứu trợ quốc tế đã đề nghị giúp đỡ. Trong số này có New Zealand, nước cũng vừa mới trải qua thảm họa địa chấn hồi tháng rồi tại thành phố Christchurch. Một nhóm cứu hộ 66 thành viên của Nhật đã tức tốc về nước từ Christchurch sau hơn 2 tuần trợ giúp nước bạn tìm kiếm nạn nhân.

Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản cũng gửi 62 nhóm tới những vùng bị nạn, với khoảng 400 bác sĩ, y tá và các chuyên gia khác, theo tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế. Các đội tìm kiếm và cứu hộ cũng như chó nghiệp vụ từ Thụy Sĩ và Đức cũng đã đến Nhật Bản hôm qua, trong khi các nhóm của Anh và Pháp đang trên đường tới quốc gia Đông Á. Nga cũng đã chuẩn bị 6 máy bay, trong đó có 1 máy bay bệnh viện, cùng 200 chuyên gia sẵn sàng khởi hành. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ cũng đã cập cảng nước này sáng sớm qua. Tokyo yêu cầu tàu này hỗ trợ nạp nhiên liệu cho các đội trực thăng, và giúp chở lính Nhật đến những nơi bị nạn, AFP dẫn thông tin từ Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương cho hay. Mỹ cũng gửi 144 thành viên.

Úc, Hàn Quốc và Singapore cũng đề nghị gửi các đội cứu trợ đến Nhật Bản. Úc còn gửi thêm nhiều bệnh viện dã chiến và đội ngũ chuyên xác định danh tính nạn nhân thiên tai, cũng như các chuyên gia về hạt nhân để giúp phân tích rủi ro tại các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kevin Rudd cho biết. Các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Campuchia... đã lập quỹ cứu trợ cho nạn nhân Nhật Bản. Báo Bangkok Post đưa tin Bộ Ngoại giao Thái sẽ đề nghị nội các thông qua khoản viện trợ 200 triệu baht (khoảng 6,5 triệu USD) cho Nhật.

Nhiều tàu chiến Mỹ đến Nhật Bản

Hải quân Mỹ đã điều động đủ loại tàu đến trợ giúp đồng minh trong thảm họa lần này, bao gồm:

* Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (3.200 thủy thủ, 2.480 phi công và nhân lực, 85 máy bay), kèm theo tàu tuần dương USS Chancellorsville, tàu khu trục USS Preble, tàu hỗ trợ chiến đấu USNS Bridge (đã đến Honshu).

* Tàu khu trục USS McCampbell và USS Curtis Wilbur đến Miyagi, còn tàu khu trục USS Mustin tới Yokosuka.

* Tàu đổ bộ USS Tortuga trực chỉ Honshu, chở theo 2 trực thăng vận tải MH-35.

* Tàu đổ bộ USS Essex sẽ đến Honshu vào ngày 17.3 từ Malaysia.

* USS Blue Ridge, tàu chỉ huy hiện đại nhất của Mỹ, chuẩn bị đến Honshu vào 18.3.

* Tàu tấn công đổ bộ USS Harpers Ferry và USS Germantown cũng đang chuyển hướng từ Đông Nam Á sang Nhật Bản.


Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã đến Nhật Bản - Ảnh: Reuters

(Theo Reuters)

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.