Nhật Bản tranh cãi về dự án ‘Vạn Lý Trường Thành’ ngăn sóng thần

23/03/2015 18:00 GMT+7

(TNO) Nhật Bản đang tiến hành dự án xây bức tường chắn sóng biển (hay còn gọi là đê biển) dài 400 km, cao bằng tòa nhà 5 tầng và được ví như 'Vạn Lý Trường Thành' của Trung Quốc, nhằm ứng phó với những thảm họa tự nhiên trong tương lai, như sóng thần.

(TNO) Nhật Bản đang tiến hành dự án xây bức tường chắn sóng biển (hay còn gọi là đê biển) dài 400 km, cao bằng tòa nhà 5 tầng và được ví như “Vạn Lý Trường Thành” của Trung Quốc, nhằm ứng phó với những thảm họa tự nhiên trong tương lai, như sóng thần. Nhưng kế hoạch này lại bị chỉ trích làm hủy hoại sự sống của sinh vật biển và sẽ không đảm bảo an toàn cho người dân.

Trận động động đất sóng thần tàn phá thành phố Hachinohe, tỉnh Aomori Nhật Bản vào ngày 11.3.2011 - Ảnh: Reuters
Đây là dự án xây bức tường chắn sóng bê tông ở đông bắc Nhật Bản và một số phần của bức tường chắn sóng này có chiều cao bằng tòa nhà 5 tầng, theo đài Russia Today (Nga).
Chính quyền Nhật Bản cho biết mục tiêu của dự án này là nhằm ngăn chặn những thảm họa thiên nhiên như động đất - sóng thần hồi năm 2011, khiến 18.500 người chết hoặc mất tích, dẫn đến thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tokyo từng tuyên bố dự án này với biệt danh là “Vạn Lý Trường Thành của Nhật Bản” ngay sau thảm họa động đất - sóng thần ngày 11.3.2011. Dự án đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng hai năm tới.
Ước tính tổng kinh phí thực hiện dự án lên đến 820 tỉ yen (6,8 tỉ USD). Tuy nhiên, bức tường chắn sóng 400 km này vẫn chưa đủ dài, bởi báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết có đến 14.000 km trong số 35.000km đường bờ biển của Nhật Bản cần được bảo vệ trước nguy cơ sóng thần.
Dự án này đã bị người dân và một số quan chức Nhật chỉ trích là phí tiền, hủy hoại đời sống sinh vật biển và không thể đảm bảo an toàn người dân.
“Chúng tôi lo ngại bức tường chắn sóng sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh vật biển và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính tôi”, ngư dân Makoto Hatakeyama ở thành phố cảng Kesennuma (tỉnh Miyagi) cho biết. Ông Hatakeyama cũng là một nạn nhân sống sót sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2013.
“Chúng tôi luôn cùng tồn tại với biển cả và chúng tôi không muốn tách rời khỏi biển cả”, ông Rikio Murakami, một người dân khác ở Kesennuma, cho hay.
Bức tường chắn sóng hiện là vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản. Ngôi làng Fudai của Nhật Bản đã thoát được sự tàn phá của sóng thần và còn nguyên vẹn nhờ bức tường bê tông lớn bao bọc làng này vào năm 2011.
Nhưng những bức tường chắn sóng ở thành phố Kamaishi đã không chống chọi nổi đợt sóng thần năm 2011 và riêng thành phố này có khoảng 1.000 người chết.
Bức tường chắn sóng đang được xây dựng - Ảnh chụp màn hình Twitter
“Cách an toàn nhất là để con người sống ở nơi cao hơn. Nếu chúng ta làm được điều này, chúng ta không cần Vạn Lý Trường Thành”, ông Tsuneaki Iguchi, thị trưởng thành phố Iwanuma cho hay. Iwanuma cũng hứng chịu thảm họa động đất sóng thần năm 2011.
Thị trưởng Iguchi đưa ra một ý tưởng thay thế được gọi là “bức tường xanh”, trồng rừng dọc theo khu vực gần bờ biển trên những ụ đất cao. Đề xuất của ông nhận được sự hậu thuẫn từ cựu Thủ tướng Nhật Morihiro Hosokawa. Ông Iguchi tin rằng “bức tường xanh” tồn tại lâu hơn là bức tường bê tông.
“Bức tường xanh”, đã được trồng tại một số khu vực ở Iwanuma, sẽ không thể ngăn chặn sóng thần, nhưng nó sẽ giúp làm chậm tốc độ di chuyển của những đợt sóng sau khi sóng thần ập vào bờ biển và di chuyển sâu vào đất liền, cuốn trôi và tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó.
Ông Tomoaki Takahashi, một nhà hoạt động xã hội đang cố vận động cộng đồng ủng hộ ý tưởng “bức tường xanh”, thừa nhận rằng nhiều người dân Nhật vẫn ủng hộ bức tường chắn sóng bê tông hơn.
Các nhà môi trường học Nhật Bản nhận định bức tường chắn sóng dài 400 km sẽ “gây chướng mắt”.
Ông Kazutoshi Musashi, người dân sống ở thành phố cảng Osabe, cho hay giờ đây xuất hiện một bức tường bê tông cao 12,5m chắn tầm nhìn ra biển. “Sự thật là nó trông giống như bức tường nhà tù”, ông Musashi (46 tuổi) nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.