Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ bùng nổ vì... tin tặc

06/05/2015 11:23 GMT+7

(TNO) Những vụ tấn công mạng có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, tướng Mỹ về hưu James Cartwright cảnh báo.

(TNO) Những vụ tấn công mạng có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, tướng Mỹ về hưu James Cartwright cảnh báo.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: Reuters
Báo cáo về chính sách hạt nhân của một nhóm nghiên cứu do ông Cartwright đứng đầu gần đây cảnh báo những mối đe dọa từ không gian mạng ngày càng phức tạp, tinh vi; và những cuộc tấn công mạng có thể đẩy Nga và Mỹ vào chiến tranh hạt nhân, theotạp chí The Diplomat ngày 4.5.
Ông Cartwright là cựu chỉ huy Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân và các chiến dịch không gian của quân đội Mỹ.
Bản báo cáo đưa ra ba viễn cảnh tấn công mạng có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ:
Thứ nhất, các tin tặc có thể xâm nhập, kiểm soát hệ thống cảnh báo sớm của Nga hoặc Mỹ, đưa ra cảnh báo giả các tên lửa hạt nhân đã được phóng, buộc hai nước này lập tức tiến hành tấn công trả đũa nhau bằng vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, các tin tặc có thể tấn công mạng vào hệ thống thông tin liên lạc quân đội và đưa ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân.
Thứ ba, các tin tặc có thể tấn công mạng trực tiếp vào những hệ thống kiểm soát và chỉ huy, kích hoạt hoặc vô hiệu hóa tên lửa hạt nhân.
“Một nửa kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ vẫn được duy trì ở tình trạng báo động cao nhất. Hàng trăm tên lửa với gần 1.800 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được phóng trong vòng vài phút sau khi nhận lệnh”, theo báo cáo trên.
Để giảm thiểu khả năng xảy ra những viễn cảnh chiến tranh nêu trên, ông Cartwright đề xuất cả Washington và Moscow nên điều chỉnh lại thời gian chuẩn bị sẵn sàng phóng tên lửa từ 3-5 phút lên 24 hoặc 72 giờ. Hiện tại, lực lượng tên lửa chiến lược Mỹ chỉ cần nhận được lệnh là chuẩn bị cho tên lửa hạt nhân sẵn sàng phóng trong vòng 3-5 phút.
Điều chỉnh thời gian chuẩn bị phóng tên lửa hạt nhân sẽ giúp tăng thời gian truy lùng tin tặc, giảm nguy cơ tấn công hạt nhân giữa hai bên trong trường hợp có lệnh báo động giả do tin tặc thực hiện, theo ông Cartwright.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng cân nhắc rồi bác bỏ đề xuất của ông Cartwright về việc gỡ bỏ tình trạng báo động ở mức độ cao đối với các tên lửa hạt nhân.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 4.2015, phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher đã cho rằng đề xuất của ông Cartwright là vô lý, bởi chính phủ Mỹ tin rằng các tên lửa hạt nhân “cần phải sẵn sàng, hiệu quả và có thể tiến hành sứ mạng vào bất cứ thời điểm nào”.
Trong khi đó, Nga được cho cũng không làm theo đề xuất của ông Cartwright giữa lúc quan hệ Mỹ-Nga hục hặc liên quan đến tình hình xung đột ở miền đông Ukraine. Nga cũng bất đồng với Mỹ về việc Washington cáo buộc Moscow vi phạm một hiệp ước cấm tên lửa hạt nhân tầm trung, theo The Diplomat.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.