Người đầu tiên lên mặt trăng qua đời

27/08/2012 03:00 GMT+7

Nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong sẽ mãi được lịch sử nhắc đến với chuyến khai phá mặt trăng cách đây hơn 40 năm.

Rạng sáng qua, gia đình chính thức xác nhận ông Armstrong qua đời ngày 25.8 vì biến chứng sau ca phẫu thuật tim hồi đầu tháng, hưởng thọ 82 tuổi, theo tờ Le Monde. Ngày 21.7.1969, phi hành gia người Mỹ này đã ghi dấu ấn quan trọng trong ngành khoa học vũ trụ nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung khi là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Câu nói vào thời khắc lịch sử ấy của Neil Armstrong đã trở thành huyền thoại: “Đây chỉ là bước nhỏ của một người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”.

Thời điểm đó, khoảng 650 triệu người trên khắp thế giới theo dõi qua màn ảnh nhỏ hình ảnh phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng. Chuyến thám hiểm nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng, xuất hiện trên phim truyện, truyền hình, âm nhạc… Mới đây nhất, trong phim bom tấn Transformers: Dark of the Moon, Armstrong còn được “chế lại” là người phát hiện phi thuyền của binh đoàn rô bốt gặp nạn trên mặt trăng.

Neil Armstrong luôn được xem là người khiêm tốn, giản dị dù rất nổi tiếng sau chuyến thám hiểm năm 1969. Những thập niên cuối đời, ông sống an bình tại quê nhà ở bang Ohio (Mỹ). Trả lời giới truyền thông, ông luôn cho rằng mình chỉ “thực hiện nhiệm vụ” và đây là kỳ tích chung của ngành khoa học vũ trụ.

 Neil Armstrong trên mặt trăng ngày 21.7.1969
Neil Armstrong trên mặt trăng ngày 21.7.1969 - Ảnh: Reuters

Bước nhảy vọt của nhân loại

Mỹ bỏ khoảng 135 tỉ USD để xây dựng, phát triển và duy trì chương trình Apollo trong giai đoạn 1961-1975 với mục đích chính là nghiên cứu khoa học, theo tờ L’Express. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy đây là một phần trong chiến lược chạy đua của Washington vào lúc Chiến tranh lạnh đang nóng bỏng. Tháng 4.1961, Liên Xô đã đi trước một bước và khiến cả thế giới thán phục khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngay lập tức Mỹ đẩy nhanh kế hoạch Apollo để có thể cắm cờ lên mặt trăng chỉ 8 năm sau đó. Ngày 21.7.1969, Armstrong cùng đồng đội Buzz Aldrin đáp thành công khoang điều khiển Eagle lên mặt trăng. Hơn 6 tiếng sau, Armstrong ra khỏi Eagle và đặt chân lên mặt trăng. Vài tiếng sau, Buzz Aldrin cũng tiếp bước và 2 người nhanh chóng ghi hình, cắm cờ Mỹ, gắn thiết bị khảo sát địa chất và máy phát laser, thu thập sỏi đá.

Dù hàng loạt dữ liệu khoa học và hình ảnh được công bố nhưng trong suốt một thời gian dài, vẫn có nhiều lời đồn đoán về độ chân thật của sự kiện Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng cũng như toàn bộ chương trình Apollo. Nhiều luận điểm được đưa ra như: mặt trăng không có khí quyển, vì sao phim truyền về lại cho thấy cờ Mỹ cắm trên đó lại bay phất phới; điều kiện ánh sáng và trang phục các phi hành gia không phù hợp, sao lại có nhiều hình ảnh rõ nét đến thế…

Tất cả những nghi vấn này đều được giải thích thỏa đáng, chẳng hạn: quốc kỳ Mỹ được thiết kế bằng chất liệu đặc biệt và tạo hình giống như đang bay nhưng thật ra không hề chuyển động sau khi được cắm. Vượt qua mọi nghi ngờ, Neil Armstrong vẫn được xem là biểu tượng của khát vọng chinh phục tri thức của con người. Tưởng nhớ nhà du hành vũ trụ này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu đầy trân trọng: “Neil là một trong những vị anh hùng lớn nhất mọi thời đại của Mỹ”.

Cuộc đua tiến chiếm nguyệt cầu

Trong suốt 14 năm thực hiện chương trình Apollo, tổng cộng 24 phi hành gia của Mỹ được đưa lên quỹ đạo mặt trăng và 12 người trong số đó đã đặt chân lên thiên thể này. Sau khi chương trình Apollo kết thúc vào năm 1975, cho đến nay, không có nước nào đưa người lên khám phá mặt trăng mà thay vào đó là các cỗ máy rô bốt tự hành để tiết kiệm chi phí.

Phác thảo “chia phần” mặt trăng trước đây (phần ngũ giác là của Mỹ, đường ở trên là ranh giới của Liên Xô)
Phác thảo “chia phần” mặt trăng trước đây (phần ngũ giác là của Mỹ,
đường ở trên là ranh giới của Liên Xô) - Ảnh: Indomitus.net

Trong cuộc đua chinh phục không gian, mặt trăng ở gần trái đất nhất và dễ trở thành mục tiêu tranh giành. Theo website Indomitus.net, Hiệp ước Không gian năm 1967 được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Tuy nhiên, dường như vẫn có một sự phân chia ngầm giữa 2 siêu cường thời Chiến tranh lạnh trên lãnh thổ mặt trăng.

Không có tàu vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên mặt trăng từ ngày 13.2.1966 đến ngày 9.8.1976 đáp xuống bên trong khu vực hình ngũ giác được xác định bởi điểm đáp của các tàu vũ trụ Surveyor 1, Surveyor 7, Apollo 11, Apollo 17 và Apollo 15 của Mỹ. Ngược lại, từ 28.7.1964 -19.12.1972, không tàu Mỹ nào đáp ngoài lằn ranh được xác lập bởi các tàu Luna 9, Luna 2, Luna 21 và Luna 16 của Liên Xô.

Tham vọng gây ảnh hưởng khắp nơi của Trung Quốc cũng đã vượt khỏi địa cầu khi công bố vào cuối năm 2011 dự định gửi phi hành gia chinh phục mặt trăng vào thập niên 2020. Theo Đài CRI hồi tháng 6, nước này dự kiến phóng tàu Hằng Nga 3 lên mặt trăng vào năm 2013 để thu thập mẫu đất đá. Trước đó, Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga 1 và 2 vào các năm 2007 và 2010. CRI còn dẫn lời Âu Dương Tự Viễn, người chủ trì giai đoạn đầu trong chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, tuyên bố: “Nếu như đợi đến lúc người khác tìm ra cách tận dụng tài nguyên mặt trăng, Trung Quốc mới khởi động thì đã quá muộn”. Theo ước tính của ông này, chỉ tính riêng helium-3, nguyên liệu dùng sản xuất điện hạt nhân sạch và an toàn nhất, thì mặt trăng có từ 1-5 triệu tấn, so với chỉ 15 tấn trên trái đất.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng Neil Armstrong qua đời
>> Cờ Apollo vẫn đứng vững trên mặt trăng
>> Trung Quốc sẽ phóng phi thuyền lên mặt trăng vào năm tới
>> Bụi mặt trăng chứa đầy phóng xạ
>> Phát hiện thêm mặt trăng của sao Diêm Vương
>> 10.000 USD để gửi mẫu ADN lên mặt trăng
>> Người cuối cùng lên Mặt trăng
>> Phát hiện mới về băng trên Mặt trăng
>> Siêu mặt trăng tỏa chiếu trái đất  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.