Người đàn bà có thể quyết định ai sẽ là thủ tướng Anh

07/05/2015 08:11 GMT+7

(TNO) Thủ tướng Anh gọi viễn cảnh thành công của Nicola Sturgeon là “phim kinh dị”. Lãnh đạo Công đảng lắc đầu bảo không đời nào “chơi” với Sturgeon. Nhưng thực tế là người đàn bà “kinh dị” đó có thể nắm trong tay quyền quyết định ai sẽ là thủ tướng.

(TNO) Thủ tướng Anh gọi viễn cảnh thành công của Nicola Sturgeon là “phim kinh dị”. Lãnh đạo Công đảng lắc đầu nguầy nguậy, bảo không đời nào “chơi” với Sturgeon. Nhưng thực tế là người đàn bà “kinh dị” đó có thể nắm trong tay quyền quyết định ai sẽ là thủ tướng.

Nicola Sturgeon đại diện cho một hình ảnh trẻ trung, năng động  và đầy sức sống - Ảnh: Reuters
Bỏ xa thủ tướng
Hôm nay 7.5, cuộc bầu cử ở Vương quốc Anh đã tới, các chính trị gia lão làng cỡ Thủ tướng David Cameron bất lực trong việc ngăn chặn sự tràn lên như vũ bão của Đảng quốc gia Scotland (SNP) và người đàn bà cầm chịch nó.
Nhưng Sturgeon là ai? Là người chỉ mới chân ướt chân ráo lãnh đạo SNP được vỏn vẹn 8 tháng. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, người đàn bà có vóc người nhỏ bé đã kịp tăng “quân số” đảng viên từ 25.000 lên thành 100.000. Còn kết quả thăm dò trước bầu cử thì cho thấy SNP sẽ thắng toàn bộ 59 ghế quốc hội ở Scotland, không chừa một chỗ nào cho các đảng phái khác. Chỉ mới trong kỳ bầu cử gần đây nhất, SNP giành được vỏn vẹn 6 ghế.
Một cuộc thăm dò khác cho thấy Sturgeon về nhất trong mắt người dân vương quốc Anh suốt chiến dịch tranh cử vừa qua. Đến 30% người được hỏi cho rằng Sturgeon là chính là người đã tranh cử thành công nhất, bỏ xa người về nhì (Cameron, 16%) và về ba (Miliband, 15%).
Mua kem đi tranh cử
“Ôi Chúa ơi, đó là Nicola Sturgeon”, một cô gái ngoài 20 tuổi thốt lên đầy cảm xúc từ giữa một đám đông nhà báo, nhiếp ảnh gia, người hâm mộ chen chúc cố rướn người lên nhìn Sturgeon đang vận động tranh cử ở South Queensferry (Scotland),
Khát thì... ăn kem! - Ảnh: Reuters
Trong bộ váy đỏ bắt mắt và lịch lãm, Sturgeon dừng lại trên đường ôm các cử tri, bế trẻ nhỏ và lanh lẹ cầm điện thoại của mọi người giúp họ cùng “tự sướng” với mình. Cách mà Sturgeon chụp hình “tự sướng” nhoay nhoáy, tận dụng tối đa mọi cơ hội ghé mặt sát các cử tri để lọt vào khung ảnh chiếm được cảm tình của nhiều cử tri trẻ tuổi. Cái danh hiệu "nữ hoàng tự sướng" cũng từ đó mà ra.
Rồi việc bà tranh cử với phong thái tự nhiên cũng rất được lòng cử tri. Cảnh bà thủ hiến Scotland tự nhiên le lưỡi liếm cây kem ốc quế giữa cuộc tranh cử trong một ngày nóng mang đem đến hình ảnh một chính trị gia gần gũi với công chúng.
"Nữ hoàng tự sướng" đang tác nghiệp giữa chiến dịch vận động tranh cử - Ảnh: AFP
Lợi thế của tuổi trẻ là một điểm cộng không thể không tính tới. Ở tuổi 44, Sturgeon đại diện cho một hình ảnh năng động đầy sức sống, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.
Quy chế siêu sao showbiz
Về mặt đường lối, SNP đưa ra những thông điệp với nhiều điểm na ná như Công đảng, chẳng hạn tăng thuế 50% đối với thành phần siêu giàu. Nhưng dường như người dân Scotland chỉ mải bận tâm đến hình ảnh của nhà lãnh đạo đảng (dù cá nhân Sturgeon không đứng ra tranh cử một ghế quốc hội nào). Tạp chí Time dẫn lời Sandy Thomson, một thầu xây dựng South Queensferry: “Bà ấy chuyên nghiệp hơn bất kỳ chính trị gia nào chúng tôi từng có”. Sau nhiều năm lúc thì bỏ phiếu cho Công đảng, lúc chọn đảng Tự do dân chủ, nay Thomson đã có một lựa chọn khác: SNP.
Trông Sturgeon (đang vẫy tay) giống một thành viên showbiz hơn là chính trị gia - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, báo The Wall Street Journal thì dẫn lời David MacDonald, một quan chức về hưu ở Dundee (Scotland): “Bà ấy quá tận tụy và hăng hái. Tôi không rõ là tôi có đồng tình với tất cả những chính sách của bà ấy hay không nhưng rõ ràng là bà ấy rất thẳng thắn”.
Nhìn các đám đông dân chúng đổ ra đường mỗi khi Sturgeon tới, trông bà giống như một ngôi sao của showbiz hơn là chính trị gia.
Người đàn bà nguy hiểm nhất nước Anh
Nếu như mọi chuyện diễn ra đúng như các cuộc thăm dò dư luận, SNP sẽ trở thành đảng lớn thứ 3 ở vương quốc Anh sau Bảo thủ và Công đảng. Giữa tình thế 2 cây đại thụ trên chính trường Anh đang trong thế giằng co ngang ngửa, một đảng lớn thứ ba nắm đến trên 50 ghế (như dự đoán dành cho SNP) sẽ nắm luôn cán cân quyền lực: đảng nào “tán tỉnh” được với SNP sẽ lập được chính phủ, đồng nghĩa lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành thủ tướng của nước Anh.
Tranh cử ở nhà trẻ - Ảnh: Reuters
Các đối thủ nặng ký cuống cuồng vận động cử tri dồn phiếu cho họ, đừng để tương lai của nước Anh cho một đảng nhỏ như SNP quyết định. Họ gán cho bà "danh hiệu" người đàn bà nguy hiểm nhất nước Anh, sẽ phá vỡ hệ thống chính trị nước này. Thế nhưng thông điệp đó không lọt được vào tai công chúng, Sturgeon thật sự đang trên đường trở thành người đàn bà quyền lực nhất nước Anh.
Nói chuyện thành lập chính phủ
Nữ tướng của SNP trong những ngày qua toàn nói chuyện đao to búa lớn, bảo rằng SNP sẽ ngăn không cho đảng Bảo thủ cầm quyền “ngóc đầu khỏi mặt đất”, rằng cho dù kết quả có ra sao SNP cũng không đời nào bắt tay với đảng này.
Hình ảnh Sturgeon rất tự nhiên suốt chiến dịch tranh cử - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Công đảng sợ mất phiếu mà gạt phắt viễn cảnh về “cuộc hôn nhân” với SNP. Lãnh đạo đảng này, ông Edward Miliband mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi không thể thương lượng với một đảng phái muốn chia rẽ nước Anh trong khi chúng tôi thì muốn xây dựng”.
Dù thế, nữ tướng trẻ tuổi của SNP vẫn cử khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng rồi Công đảng sẽ phải đổi ý nếu không giành được thế đa số tại quốc hội, bởi từ chối SNP sẽ là “đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của Công đảng ở Scotland”
Khi được hỏi phản ứng của bà sẽ ra sao nếu nhận được cú điện thoại xin lỗi của ông Miliband sau khi có kết quả bầu cử, Sturgeon thản nhiên trả lời: “Tôi không chảnh”.
Nicola Sturgeon tham gia SNP từ năm mới 16 tuổi. Bà tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Glasgow (Scotland) và ra tranh cử hạ viện Anh năm mới 21 tuổi nhưng thất bại. Bà hành nghề luật sư trước khi trở thành nghị sĩ Scotland vào năm 1999. Từ năm 2007, SNP giành được quyền lực ở Scotland, bà Sturgeon trở thành phó thủ hiến Scotland.
Sturgeon cũng giữ chức phó chủ tịch SNP cho tới cách đây 8 tháng, khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 55% người dân Scotland muốn tiếp tục là một phần của vương quốc Anh. Đó là một thất bại cho SNP, vốn vận động tách Scotland ra. Lãnh đạo SNP đã từ chức sau thất bại này, để lại vị trí cầm chịch cho Sturgeon. Bà cũng trở thành nữ thủ hiến đầu tiên của Scotland.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.