Nga hủy dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu

02/12/2014 10:30 GMT+7

(TNO) Tổng thống Putin tuyên bố hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt qua miền nam châu Âu có tên "South Stream" nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU trong cuộc họp bàn hợp tác thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.

Nga bỏ dự án đường ống khí đốt chống đối EU
Tổng thống Putin (phải) họp với Giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom Alexei Miller hồi 29.10.2012 - Ảnh: Reuters

Hủy bỏ đường ống dẫn khí đốt South Stream mà Nga và EU đã thỏa thuận trước đó được xem là đòn đáp trả mạnh tay của Putin đối với lệnh trừng phạt mà EU và các nước phương Tây áp đặt lên Moscow.

Sau tuyên bố hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt qua miền nam châu Âu, Tổng thống Putin không quên khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đối tác lớn thứ hai của Moscow, chỉ sau Đức. Và Putin cũng hứa hẹn giá khí đốt bán cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giảm đặc biệt 6% và tăng thêm 3 tỉ mét khối khí trong năm tới, theo Reuters ngày 1.12.

Đường ống South Stream do Tập đoàn dầu khí Gazprom và Tập đoàn năng lượng ENI của Ý cùng khởi xướng, triển khai hồi tháng 6 nhằm giảm sự phụ thuộc trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Kiev.

Việc hủy bỏ dự án đường ống dài 900 km, vốn 40 tỷ USD cũng đồng nghĩa với việc Moscow đang từ bỏ nguồn lợi từ việc bán 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang miền nam châu Âu, gấp 4 lần so với nguồn lợi từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, việc hủy bỏ đường ống của Tổng thống Putin là vết nứt rõ ràng cho thấy mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa Moscow và EU, khi ngay chính EU cũng đang muốn hạn chế sự phụ thuộc khí đốt từ Nga.

Nga bỏ dự án đường ống khí đốt chống đối EU
Một đoạn đường ống South Stream tại Vyksa ở vùng Nizhny Novgorod, Nga hồi 4.2014 - Ảnh: Reuters

Trước đó, Nga đã kêu gọi EU bãi bỏ lệnh trừng phạt lên Moscow và cam kết từ bỏ các biện pháp trả đũa đối với phương Tây vào ngày 30.11, chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và năng lượng, theo Reuters. Nhưng cho đến nay, EU và các nước phương Tây vẫn phớt lờ thiện chí của Nga.

Thực tế, Nga vốn là đối tác lớn của EU khi cung cấp 30% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng “việc sáp nhập Crimea, Nga đã tự tạo mối rào cản lớn cho dự án đường ống South Stream”.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong vòng xoáy lợi ích kinh tế bất chấp những bất đồng chính trị ở Syria và Ukraine. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin cho thấy những khởi sắc từ Istanbul trong việc tìm đồng minh kinh tế của Moscow.

Mộc Di

>> Tổng thống Nga Vladimir Putin: Vũ lực là phương án cuối cùng
>> Nga sẽ trả giá đắt cho hành động quân sự tại Ukraine?
>> Nga ra tối hậu thư cho Ukraine
>> Máy bay quân sự và lính Nga đổ vào Crimea
>> Ukraine kêu gọi Tổng thống Nga tái cân nhắc kế hoạch can thiệp quân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.