Nepal chìm trong tang tóc

27/04/2015 07:17 GMT+7

Trong lúc số thương vong của trận động đất ngày 25.4 không ngừng tăng, Nepal tiếp tục rung chuyển vì các đợt dư chấn ngày 26.4. Tính đến tối 26.4, động đất đã làm hơn 2.500 người thiệt mạng và hơn 4.600 người bị thương.

Trong lúc số thương vong của trận động đất ngày 25.4 không ngừng tăng, Nepal tiếp tục rung chuyển vì các đợt dư chấn.

Nhiều người dân ở thủ đô Kathmandu của Nepal hiện sống trong cảnh màn trời chiếu đất
- Ảnh: AFP
AFP hôm qua 26.4 dẫn thông cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận dư chấn 6,7 độ Richter đã diễn ra ở khu vực gần biên giới Nepal - Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại dư chấn có thể làm sụp đổ thêm nhiều tòa nhà và khu dân cư, vốn đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4.
Phần lớn dân cư thủ đô Kathmandu - cách tâm chấn khoảng 80 km - phải qua đêm ngoài phố hoặc tạm lánh ở sân bãi của các doanh trại quân đội vì lo ngại nhà có thể sập bất cứ lúc nào, theo tờ Le Figaro. Tính đến tối 26.4, trận động đất đã làm hơn 2.500 người thiệt mạng và hơn 4.600 người bị thương. Số lượng thương vong có thể sẽ tiếp tục tăng cao vì còn rất nhiều nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát mà lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận.
Không kịp trở tay
Hầu như không có tỉnh thành nào của Nepal không bị ảnh hưởng bởi động đất. Tổng giám đốc Tổ chức Hành động chống đói nghèo (ACF - Pháp) Mike Penrose cho biết trong vùng bán kính 100 km quanh tâm chấn có khoảng 6 triệu người sinh sống. Nhiều công trình tại thủ đô Nepal được UNESCO công nhận là di sản thế giới như tòa tháp Dharahara hay khu Kathmandu Durbar Square chỉ còn là đống đổ nát sau trận động đất.
Các nhân viên cứu hộ di chuyển người bị thương trong vụ lở tuyết ở đỉnh Everest - Ảnh: AFP
Các nhân viên cứu hộ di chuyển người bị thương trong vụ lở tuyết ở đỉnh Everest - Ảnh: AFP
Hiện lực lượng cứu hộ, cảnh sát và toàn bộ hệ thống y tế của Nepal đã rơi vào tình trạng “không kịp trở tay” bởi hậu quả khủng khiếp của trận động đất. Việc cứu hộ gặp rất nhiều trở ngại: dư chấn xảy ra liên tiếp, thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, giao thông tắc nghẽn, thông tin liên lạc bị gián đoạn…
Bệnh viện ở Kathmandu và các khu vực lân cận đều bị quá tải. Phần lớn các cơ sở y tế này đều phải lập một trạm tiếp nhận ngay cửa ra vào để sơ cấp cứu cho các nạn nhân trước khi chuyển vào các khoa thích hợp.
Sau khi động đất diễn ra, chính phủ Nepal đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Các cơ quan của LHQ và nhiều tổ chức nhân đạo đã họp khẩn để triển khai kế hoạch gửi bác sĩ, tình nguyện viên cùng nước sạch, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá.
Ngân hàng máu của Tổ chức Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Nepal đã hỗ trợ cho nhiều bệnh viện ở Kathmandu nhưng do lượng máu dự trữ không nhiều, tổ chức này có thể sẽ phải cầu viện từ các chi nhánh ở Malaysia và UAE.
Nhiều nước cũng đã cam kết hỗ trợ: Mỹ sẽ viện trợ đợt đầu tiên 1 triệu USD và gửi 1 đội cứu hộ sang Nepal; Ấn Độ gửi một số máy bay quân sự, lực lượng cứu hộ và trang thiết bị y tế; Na Uy viện trợ 3,5 triệu euro… Trung Quốc, Nhật, Singapore cũng đều thông báo sẽ gửi các đội cứu hộ.
Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á thông báo sẽ phối hợp để giúp Nepal đánh giá thiệt hại của thảm họa nhằm đề xuất biện pháp hỗ trợ thích hợp.
Thảm họa  được báo trước
Theo báo mạng Slate, Nepal là quốc gia có nhiều nguy cơ bị động đất do là nơi “gặp nhau” của mảng kiến tạo Á - Âu và mảng kiến tạo Ấn Độ.
Những va chạm giữa 2 mảng này sẽ gây nên địa chấn. Vào năm 1934, Nepal từng hứng trận động đất mạnh 8,2 độ Richter khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Slate dẫn thống kê của Tổ chức Earthquake Report cho biết trung bình khoảng 80 năm, Nepal lại hứng chịu một trận động đất có cường độ như thế.
Tuy đã được lường trước, nhưng theo tờ Le Monde, phần lớn cơ sở hạ tầng tại nước này đều không thích hợp để chống động đất, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ và nhà cửa ở những khu dân cư nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là không đủ điều kiện về kinh tế để gia cố hoặc xây dựng nhà cửa theo cấu trúc đặc biệt, có thể chịu được rung lắc mạnh.
Nhiều nước nỗ lực xác định tình trạng công dân
Ngày 26.4, nhiều nước châu Á nỗ lực xác định tình trạng của hàng ngàn công dân có mặt tại Nepal sau trận động đất kinh hoàng tại đây, theo AFP.
Cụ thể, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết Canberra đã liên lạc với hơn 200 trong số 549 công dân đang ở Nepal. Bà Bishop cho hay nhân viên Bộ Ngoại giao Úc đang đến Nepal để xác định tình trạng của những người còn lại. Theo bà, chưa có báo cáo thương vong liên quan đến công dân Úc.
Còn Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully nói 150 công dân nước này ở Nepal vẫn an toàn. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật loan báo đã lập một văn phòng liên lạc để hỗ trợ xác định tình trạng của 1.100 công dân có mặt tại Nepal vào lúc động đất xảy ra. Trung Quốc cũng thông báo đang điều máy bay đến Nepal để đưa 683 công dân nước này về nước.
Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nepal Lưu Hiểu Quang hôm qua đã chỉ trích một số hãng hàng không Trung Quốc bôi nhọ hình ảnh quốc gia khi lợi dụng tình hình thảm họa để tăng giá vé.
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.