Năm 2014, thế giới chi 100 tỉ USD cho thuốc trị ung thư

05/05/2015 22:59 GMT+7

(TNO) Tổng chi cho thuốc trị ung thư toàn cầu năm 2014 vượt mốc 100 tỉ USD, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sống quá 5 năm được cải thiện rõ, theo một nghiên cứu của Mỹ.

(TNO) Tổng chi cho thuốc trị ung thư toàn cầu năm 2014 vượt mốc 100 tỉ USD, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sống quá 5 năm được cải thiện rõ, theo một nghiên cứu của Mỹ.
Bác sĩ Singapore chuyên trị ung thư bằng thuốc (oncologist) đang giải thích về các khối u gan của một bệnh nhân Việt Nam - Ảnh: Thục MinhBác sĩ Singapore chuyên trị ung thư bằng thuốc (oncologist) đang giải thích về các khối u gan
của một bệnh nhân Việt Nam - Ảnh: Thục Minh
Nghiên cứu công bố hôm 5.5 của IMS Institute for Healthcare Informatics, viện chuyên theo dõi dữ liệu đơn thuốc toàn thế giới, cho biết con số trên tăng 10,3% so với năm 2013 và tăng 33% so với năm 2010 (75 tỉ USD).
So với tổng chi cho mọi loại dược phẩm, gồm cả thuốc bổ trợ chống nôn ói hay thiếu máu, số tiền chi cho thuốc trị ung thư chiếm đến 10,8%, và chủ yếu cho các thuốc tân tiến đắt tiền ở các nước phát triển.
Mỹ dẫn đầu số tiền chi tiêu cho thuốc ung thư toàn cầu, chiếm 42,2%; theo sau là 5 thị trường châu Âu gồm Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý.
Tại 5 nước dẫn đầu ở châu Âu, số tiền chi cho thuốc trị ung thư năm 2014 chiếm 14,7% tổng chi cho mọi dược phẩm, tăng so với 13,3% của năm 2010. Cùng các thời điểm này ở Mỹ, các con số lần lượt là 11,3% và 10,7%.
IMS ước tính, tổng số tiền chi tiêu cho thuốc chống ung thư toàn cầu vào năm 2018 ở mức từ 117 - 147 tỉ USD, với mức tăng 6-8%/năm.

“Cơ cấu phân bố” bệnh ung thư

Nghiên cứu về phân bố bệnh năm 2012, IMS nhận thấy tỉ lệ mắc mọi loại ung thư ở các quốc gia phát triển (268 ca/100.000 dân) cao hơn ở các quốc gia đang phát triển (148 ca/100.000 dân).
Phổi và trực tràng là hai loại ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất ở các nước phát triển, lần lượt là 31 và 29 ca trong 100.000 dân, so với 20 và 12 ở các nước đang phát triển.
Trong khi đó, ung thư dạ dày và gan ở các nước đang phát triển cao hơn, 13 và 12 ca/100.000 dân, so với các nước phát triển là 11 và 5/100.000 dân.
IMS giải thích sở dĩ tỉ lệ mắc ung thư ở các nước phát triển cao hơn ở các nước đang phát triển có thể do dữ liệu bệnh ở các nước đang phát triển không đầy đủ.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do cơ hội tiếp cận y tế của người dân các nước đang phát triển còn hạn chế, nhiều người qua đời trước khi bệnh ung thư của họ được phát hiện.
Viện nghiên cứu này cũng dự đoán ung thư gan sẽ tăng cao ở các nước phát triển do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. Chẳng hạn bệnh béo phì sẽ trở thành nguyên nhân chính dẫn đến u gan tại Mỹ vào năm 2030, và châu Âu sẽ nhanh chóng theo chân.
Trung tâm ung thư quốc gia Singapore (NCCS) là nơi được nhiều hãng dược thế giới đưa thuốc ung thư mới đến thử nghiệm . -Ảnh: Thục Minh
Trung tâm ung thư quốc gia Singapore (NCCS) là nơi được nhiều hãng dược thế giới đưa thuốc ung thư mới đến thử nghiệm - Ảnh: Thục Minh

Thuốc mới và triển vọng

IMS cho hay nhiều loại thuốc tân tiến, chẳng hạn thuốc tăng khả năng chống ung thư của hệ miễn dịch, đang được phát triển bởi các tập đoàn như Bristol-Myers Squibb, Merck, Roche, AstraZeneca... sẽ dẫn đến sự cạnh tranh giúp giảm giá bán.
“Chúng ta đang ở trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các loại thuốc có tính năng tương tự. Đó là một động lực khác với những gì chúng ta thấy trước đây, khi những tiến bộ diễn ra chậm chạp và mỗi loại thuốc có một giai đoạn thống trị khá dài”, giám đốc điều hành IMS, Murray Aitken phát biểu.
Hiện nay tại Mỹ, các loại thuốc chống ung thư theo liệu pháp trúng đích, nhắm vào những phân tử protein đặc hiệu hoặc các đột biến gene - thay vì các thuốc hóa trị đại trà - đã chiếm đến gần 50% số tiền chi cho mọi loại thuốc trị ung thư.
IMS cũng thống kê trong vòng 4 năm, từ 2010 - 2014, có 45 loại thuốc ung thư mới được cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, vào thời điểm 2014, không có quốc gia nào tiếp cận đầy đủ 37 loại thuốc ung thư mới ra đời từ năm 2009 đến 2013.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về tiếp cận các loại thuốc mới, theo sau là Đức và Anh. Tại Hàn Quốc, Tây Ban Nha hay Nhật Bản, chưa tới 50% số loại thuốc mới nói trên có mặt.
Một điểm đáng lạc quan khác từ nghiên cứu của IMS cho thấy tỉ lệ bệnh nhân ung thư sống quá 5 năm ngày càng gia tăng trong 2 thập niên qua, nhất là bệnh ung thư hạch (lymphoma) thể Non-Hodgkin.
Gần đây, các thuốc mới nhắm vào hệ miễn dịch như Keytruda của hãng Merck, Opdivo của Bristol... được nhìn nhận là nâng cao tỉ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm, đồng thời ít gây tác dụng phụ.
“Con số 100 tỉ USD cho thuốc trị ung thư chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu cho thuốc men và chi phí y tế, nhưng đó là một phần của một hệ thống chăm sóc sức khỏe đang tạo ra những kết quả to lớn mà bệnh nhân được hưởng lợi, ông Aitken nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.