Mỹ-Trung lại bất đồng về biển Đông trước thềm thượng đỉnh ASEAN

05/08/2014 09:15 GMT+7

(TNO) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này, vẫn sẽ nhấn mạnh việc các bên có tranh chấp trên biển Đông nên tự nguyện ngừng những hành động làm leo thang căng thẳng, mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất này.

(TNO) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này, vẫn sẽ nhấn mạnh việc các bên có tranh chấp trên biển Đông nên tự nguyện ngừng những hành động làm leo thang căng thẳng, mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết trước thềm chuyến thăm của ông Kerry đến Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lời kêu gọi này không có gì mới, không phải “khoa học rocket”, mà chỉ là điều thông thường, theo Reuters.

Ưu tiên hàng đầu của ông Kerry sẽ là làm xoa dịu căng thẳng trên biển Đông, nơi khoảng 5 nghìn tỉ USD hàng hóa vận chuyển qua đây hằng năm và Trung Quốc cùng 4 nước thành viên ASEAN có tranh chấp lãnh thổ.

“Nền kinh tế khu vực quá quan trọng và mỏng manh nên không có bất kỳ quốc gia nào có thể sử dụng vũ lực hoặc lực lượng bán quân sự để trả đũa hoặc hăm dọa nước khác”, ông Russel nói trong một buổi họp báo ngày 4.8.

Ông Russel cho hay vẫn còn chỗ trống cho các bên có những bước đi tự nguyện kết hợp các thỏa thuận có sẵn để không chiếm các đảo và ngừng lại những nỗ lực tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Tuy nhiên, trước đó vào ngày 4.8, Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng, cho rằng nước này có thể xây bất kỳ thứ gì mình muốn trên những quần đảo đang có tranh chấp với các nước khác ở biển Đông.

Ông Dịch Tiên Lương, phó tổng cục trưởng Tổng cục Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố với báo chí rằng Bắc Kinh có toàn quyền xây dựng trên các quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm cải thiện điều kiện sống của những cư dân cư ngụ tại đây.

“Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ thực sự của Trung Quốc và cái mà Trung Quốc đang làm hoặc không làm tùy thuộc vào chính phủ Trung Quốc. Không ai có thể thay đổi quan điểm của chính phủ”, ông Dịch nói.

“Tại sao khi có những quốc gia khác ngang nhiên xây sân bay, thì không ai nói gì cả? Nhưng khi Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tiến hành xây dựng các công trình nhỏ và cần thiết để cải thiện điều kiện sống trên quần đảo thì rất nhiều người lại nghi ngại”, quan chức Trung Quốc này nói.

Reuters cho biết truyền thông Hồng Kông từng đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch xây một căn cứ không quân ở Bãi Chữ Thập, nhưng ông Dịch nói ông không biết có kế hoạch này Vị quan chức Trung Quốc còn nói các đề xuất để ngăn các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực không hữu ích.

Các đề xuất sắp được đưa ra thảo luận có thể bị xem như một âm mưu cản trở nỗ lực soạn ra bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông của Trung Quốc và ASEAN bằng cách dùng chúng để thay thế cho bộ quy tắc, Reuters dẫn lời ông Dịch cho biết.

Ông Dịch cũng nói thêm rằng nếu Mỹ đã có đề xuất để đưa ra thảo luận trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN sắp tới, thì ông chưa được thấy đề xuất của Mỹ, đồng thời cảnh báo tranh chấp ở biển Đông chỉ nên là vấn đề giữa các nước có liên quan trực tiếp.

“Hãy tin vào người châu Á, sử dụng các phương tiện và trí tuệ của người châu Á để giải quyết các vấn đề của chính chúng ta”, ông Dịch nói.

Tuy nhiên, ông Russel khẳng định Washington muốn thấy ASEAN và Trung Quốc tăng cường nỗ lực để cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hoàn chỉnh.

Tại ARC, Philippines, đồng minh của Mỹ, sẽ trình bày "kế hoạch ba hành động" mà Manila đề xuất nhằm xoa dịu căng thẳng trên biển Đông.

Manila cho biết nước này đang được nhận được sự ủng hộ từ Việt Nam, Indonesia và Brunei về kế hoạch nói trên.

Bắc Kinh trong những tháng gần đây liên tục có những động thái làm gia tăng căng thẳng nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý này trên biển Đông, theo AFP.

Các thành viên ASEAN là Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam đều có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với Trung Quốc.

Philippines đã nộp đơn kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

ARF sẽ bao gồm các buổi hội đàm giữa các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra còn có một cuộc đối thoại an ninh khu vực với sự tham dự của lãnh đạo 27 quốc gia, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Úc, theo AFP.

Phúc Duy

>> Trung Quốc nói có thể xây những gì mình muốn trên biển Đông
>> Philippines: Kế hoạch xoa dịu căng thẳng biển Đông được ủng hộ
>> Philippines đề xuất ‘kế hoạch ba hành động’ giảm căng thẳng ở biển Đông
>> Trung Quốc lên kế hoạch khai thác năng lượng mới ở biển Đông
>> Trung Quốc tập trận quét thủy lôi ở biển Đông
>> Mỹ, Singapore tập trận chung ở biển Đông
>> Trung Quốc dùng tàu cá 'độc chiếm' biển Đông - Kỳ 1: Bơm tiền cho ngư dân
>> Trung Quốc dùng tàu cá 'độc chiếm' biển Đông - Kỳ 2: Dùng cả hệ thống định vị quân sự
>> Mỹ: Căng thẳng ở biển Đông có phần hạ nhiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.