Mỹ thăm dò Myanmar

03/11/2009 23:43 GMT+7

Sau hơn một thập niên, phái đoàn ngoại giao của Mỹ đã đến Myanmar nhằm thăm dò thiện chí đối thoại.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cùng cấp phó Scot Marciel đã đáp máy bay xuống thủ đô Naypyidaw vào hôm qua từ Bangkok (Thái Lan). Năm 1995, bà Madeleine Albright đã đến thăm Myanmar với tư cách Đại sứ Mỹ tại LHQ và từ đó đến nay Mỹ chưa cử đại diện chính phủ cấp cao nào đến nước này. Hãng tin AFP dẫn thông tin từ chính quyền Myanmar cho biết ông Campbell đã gặp đại diện các tổ chức chính trị trong nước trước khi hội đàm với một số bộ trưởng và Thủ tướng Thein Sein. Dự kiến trợ lý ngoại trưởng Mỹ sẽ bay đi Yangon vào hôm nay để có buổi nói chuyện với lãnh đạo đối lập đang bị quản thúc Aung San Suu Kyi.

Chuyến thăm này là nỗ lực mới nhất của chính quyền Obama nhằm cải thiện quan hệ song phương. Trước khi lên đường, ông Campbell nêu rõ Mỹ dự định dùng đối thoại trực tiếp để vạch lộ trình cho mối quan hệ tốt đẹp hơn sau khi lãnh đạo Myanmar bày tỏ một số thiện chí trong cuộc hội đàm hồi tháng 9 tại New York. Mục đích của phái đoàn chính là xác định Naypyidaw sẵn sàng đối thoại đến đâu trong một số vấn đề và triển vọng làm ấm quan hệ giữa hai nước. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Campbell cho biết cuộc tiếp xúc lần này còn để tìm hiểu mối quan hệ giữa Myanmar và CHDCND Triều Tiên sau khi có tin hai nước đang lập kế hoạch hợp tác về các chương trình hạt nhân. Một số nhà phân tích nói với Reuters việc Naypyidaw bày tỏ sự cởi mở với Washington nằm trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá không nên kỳ vọng chuyến đi của ông Campbell sẽ mang lại nhiều kết quả cụ thể. BBC dẫn lời Nyan Win, người phát ngôn đảng đối lập của bà Suu Kyi, nói: “Chúng tôi không mong chờ sự thay đổi lớn nào. Chuyến thăm này mới chỉ là bước đầu”. Một nhà ngoại giao giấu tên tại Yangon nói với AFP cuộc tiếp xúc này rất quan trọng nhưng cần cẩn trọng vì “mối quan hệ có thể sẽ lại lạnh nhạt trong vòng 2 tháng tới”. Trước đó, AP dẫn lời một quan chức cho hay nhà lãnh đạo Myanmar, Thống tướng Than Shwe, sẽ không gặp phái đoàn Mỹ và đây được xem là dấu hiệu cho thấy hai bên vẫn chưa thật sự cởi mở. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 10, bản thân Trợ lý Ngoại trưởng Campbell cũng đã xác định quá trình cải thiện quan hệ với Myanmar sẽ “rất khó khăn và cần tiến hành từng bước”.  

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nói chưa có ý định ngay lập tức gỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar. Mỹ và EU đã áp đặt trừng phạt nước này năm 1997 để phản đối việc quản chế bà Suu Kyi và từ chối công nhận kết quả bầu cử năm 1990. Hồi tháng 8, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã đến Myanmar gặp Thống tướng Than Shwe và cả bà Suu Kyi. Sau chuyến thăm, ông Webb, người luôn ủng hộ đối thoại giữa hai nước, đã bày tỏ hy vọng Mỹ cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt kinh tế Myanmar. Tháng trước, trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan, Thủ tướng Thein Sein đã cho biết chính quyền đang cân nhắc vai trò của bà Suu Kyi trong việc hòa giải các mâu thuẫn trong nước và có thể sẽ nới lỏng lệnh quản thúc cho bà.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.