Mỹ phá vụ tin tặc lớn nhất lịch sử

15/04/2011 01:00 GMT+7

Cảnh sát Mỹ vừa phá được một đường dây dùng mã độc chiếm quyền kiểm soát hơn 2,3 triệu máy tính trên thế giới, gây thiệt hại hơn 100 triệu USD.

Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra liên bang (FBI) hôm 13.4 cho hay họ vừa giành được những chiến thắng vang dội trong việc chống tội phạm ảo sau khi phá sập đường dây tin tặc lớn có quy mô toàn cầu. Reuters dẫn thông báo của chính quyền cho hay trong 10 năm qua, bọn tội phạm đã sử dụng vi-rút Coreflood xâm nhập vào hơn 2,3 triệu máy tính ở nhiều nước trên thế giới. Nhà chức trách Mỹ tịch thu nhiều máy chủ tại 5 tiểu bang Georgia, Texas, Ohio, California và Arizona nhưng bọn tin tặc đã nhanh chân tẩu thoát. Đây cũng là vụ án tin tặc lớn nhất bị phá tại Mỹ từ trước đến nay.

 

 Tin tặc ngày càng hoành hành với quy mô lớn - Ảnh: Topnews.in

Bộ Tư pháp Mỹ giải thích mã độc Coreflood hoạt động bằng cách dùng thủ thuật keylog ghi lại bất cứ ký tự/số nào mà người dùng gõ lên bàn phím. Thông qua đó, vi-rút này ăn cắp tên đăng nhập, mật khẩu, dữ liệu tài chính và các thông tin cá nhân khác. Theo giới hữu trách, một máy chủ tịch thu được chứa tới 190 gigabyte dữ liệu ăn cắp, tương đương với một chồng giấy A4 cao hơn 145 km.

Các lập trình viên của Chính phủ Mỹ hôm 12.4 vô hiệu hóa mạng lưới các máy nhiễm Coreflood và tạo máy chủ thay thế để ra lệnh cho các máy tính nhiễm mã độc này ngưng gửi dữ liệu ăn cắp và tự động tắt. Reuters dẫn hồ sơ tòa án cho hay các nạn nhân của Coreflood tại Mỹ bao gồm một công ty bất động sản ở Michigan, thiệt hại 113.771 USD, một công ty luật tại South Carolina (78.421 USD), và một nhà thầu quân sự ở Tennessee (241.866 USD). Chính phủ đang lên kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ internet trên toàn quốc để xác định thêm danh tính nạn nhân, cũng như hợp tác với Tập đoàn Microsoft để kêu gọi khách hàng dùng hệ điều hành Windows tải các chương trình chống vi-rút mới cho máy tính của họ. Các chuyên gia cho rằng rất khó xác định thiệt hại trong những vụ án kiểu này. Mức thiệt hại có thể từ hàng chục triệu USD đến hơn 100 triệu USD, theo Dave Marcus, Giám đốc nghiên cứu của Công ty bảo mật McAfee.

FBI đang nghi ngờ khả năng băng tội phạm Coreflood có nguồn gốc nước ngoài. “Chúng tôi khá chắc chắn thủ phạm là một nhóm tin tặc người Nga”, Reuters dẫn lời Alan Paller, Giám đốc nghiên cứu của Viện SAN, tổ chức hỗ trợ FBI phá án. Nhà chức trách đã xác định 13 nghi can là người nước ngoài dính líu tới đường dây này.

Nhận thức được mối nguy hiểm khôn lường từ các phần mềm mã độc, Mỹ đã tích cực triển khai hơn 230 công tố viên trên toàn quốc cũng như mạnh tay chi tiền để điều tra những vụ phạm tội tương tự. Hồi tháng 3, giới hữu trách cũng đã phá được một đường dây chuyên dùng mã độc Rustock gửi thư rác và phần mềm gây hại.

Vụ lừa đảo “đăng lính để làm công dân Mỹ”

 

 “Chỉ huy tối cao” David Deng tại tòa án Los Angeles hôm 13.4 - Ảnh: Los Angeles Times

Tòa án Los Angeles, Mỹ đang xét xử một người đàn ông gốc Trung Quốc tên David Deng về tội lừa người nhập cư gia nhập một đơn vị quân đội giả mạo. AFP dẫn cáo trạng cho hay từ năm 2008, Deng dụ hơn 100 người từ Trung Quốc nộp tiền cho y để gia nhập “Đơn vị dự bị lực lượng quân sự đặc biệt Mỹ” mà ông là “Chỉ huy tối cao”. Deng hứa hẹn rằng các “binh sĩ” sẽ được nhập quốc tịch Mỹ và thu của mỗi người 300-400 USD phí gia nhập cộng thêm phí thành viên thường niên 120 USD. Deng cấp đồng phục và thẻ bài cho các “binh sĩ”, tổ chức diễn tập và huấn luyện. Ông này bị bắt hôm 12.4 và đang đối mặt với 13 tội danh bao gồm lừa đảo và cung cấp giấy tờ giả.

Trùng Quang

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.