Mỹ nói gì khi đồng minh tham gia ngân hàng Trung Quốc sáng lập?

18/03/2015 19:39 GMT+7

(TNO) Sau Anh, đến lượt các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức chấp thuận tham gia dự án Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu. Điều này ảnh hướng thế nào đến Mỹ?

(TNO) Sau Anh, đến lượt các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức chấp thuận tham gia dự án Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu. Điều này ảnh hướng thế nào đến Mỹ? 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew lo ngại về AIIB - Ảnh: Reuters
Hôm 17.3, Mỹ kêu gọi các nước đồng minh châu Âu hãy "suy nghĩ kỹ trước khi ký vào thỏa thuận hợp tác dự án AIIB", hãng tin Reuters cho biết. Động thái này diễn ra sau khi 3 nước Pháp, Ý và Đức đã theo chân nước Anh tham gia vào AIIB. Reuters cho rằng phía Mỹ xem chi tiết này là một thất bại trên bình diện ngoại giao, khi nhìn thấy các đồng minh theo chân đối thủ kinh tế lớn Trung Quốc.
Washington khẳng định "không tích cực khuyến khích các nước tham gia vào dự án này, nhưng đặt câu hỏi liệu AIIB có đủ các tiêu chuẩn về quản trị và biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội hay không", Reuters viết.
AIIB được thành lập với mục tiêu cung cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực châu Á, theo đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2014 tổ chức ở Bắc Kinh.
Về mặt hình thức, AIIB sẽ hoạt động tương tự Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đánh giá của tạp chí Financial Times.
Điều này đồng nghĩa AIIB sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh sức ảnh hưởng với WB hay đặc biệt là IMF, tổ chức do Mỹ dẫn đầu, kéo theo cuộc chiến địa chính trị dựa trên nền tảng tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ - Trung Quốc.
"Uy tín và ảnh hưởng quốc tế của chúng tôi đang bị đe dọa", Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nói hôm 17.3.
Theo ông Lew, vấn đề Mỹ phải đối mặt nằm ở chỗ các vướng mắc về cải cách của Mỹ trong IMF. Cụ thể, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi vẫn đòi hỏi quyền có tiếng nói lớn hơn tại IMF, trong khi phía Mỹ lại chậm chạp ở khâu hợp tác phê chuẩn quyền biểu quyết của các thành viên.
"Không phải tự nhiên khi các nền kinh tế mới nổi bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác. Họ đang thất vọng, thẳng thắn mà nói là vậy, Mỹ đã trì trệ trong việc tập hợp các ý kiến cải cách IMF", Reuters dẫn lời ông Lew.
Đầu năm nay, Trung Quốc thông báo đã có 26 nền kinh tế nằm trong nhóm sáng lập AIIB, chủ yếu từ châu Á và Trung Đông.
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi không bình luận gì về sự kiện 3 nước Đức, Pháp và Ý tham gia AIIB cũng như luận điểm trên của Mỹ. Tuy nhiên ông Hồng Lỗi lặp lại thông điệp của AIIB rằng sẽ luôn "cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm", theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.