Mỹ hỗ trợ Ấn Độ đóng tàu sân bay

06/02/2015 09:00 GMT+7

Mỹ nhiều khả năng sẽ chuyển giao công nghệ đóng tàu sân bay cho Ấn Độ, nhằm giúp New Delhi tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân.

Mỹ nhiều khả năng sẽ chuyển giao công nghệ đóng tàu sân bay cho Ấn Độ, nhằm giúp New Delhi tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân.

Mỹ hỗ trợ Ấn Độ đóng tàu sân bayTàu sân bay INS Vikramaditya neo đậu ngoài khơi bờ biển thành phố Mumbai      - Ảnh: Reuters
Reuters hôm qua dẫn các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này muốn sử dụng công nghệ “thượng thừa” của Mỹ để mở rộng khả năng hoạt động của chiếc tàu sân bay mà New Delhi đã lên kế hoạch đóng mới. Đề xuất được đề cập một cách gián tiếp trong tuyên bố chung đưa ra vào cuối chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng trước. Đây cũng là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington sẵn sàng giúp New Delhi củng cố năng lực hải quân.
Chuyển dịch quan trọng
Pakistan hướng sang Nga
Giữa lúc đối thủ láng giềng Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ, Pakistan lại tìm cách mở ra một chương mới trong quan hệ với Nga. Động thái này đánh dấu sự chuyển dịch quan hệ đồng minh chiến lược ở Nam Á bởi trong thời gian dài, Pakistan là đồng minh của Mỹ còn Nga có quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ và thậm chí từng ủng hộ New Delhi trong cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971. Trong vài tháng qua, các lãnh đạo quân sự và chính trị Pakistan liên tục đến Moscow để hâm nóng quan hệ vốn đóng băng từ thời Chiến tranh lạnh, theo tờ The Guardian. Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Islamabad và ký một thỏa thuận hợp tác quân sự với quân đội Pakistan. Islamabad đang hy vọng hoàn tất kế hoạch mua hơn 30 chiếc trực thăng Mi-35 của Nga và hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow trong nỗ lực chống khủng bố và buôn ma túy. Ngoài ra, Pakistan cũng muốn Nga hỗ trợ ổn định tình trạng thiếu năng lượng kinh niên của nước này.
Sơn Duân
Sau nhiều năm xao lãng, hải quân Ấn Độ hiện đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Nước này năm ngoái đã biên chế tàu sân bay INS Vikramaditya mua lại của Nga để tăng cường cho tàu sân bay INS Viraat do Anh đóng hồi năm 1944 và dự kiến sẽ được cho “về hưu” sau 3 năm nữa. Không lâu sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Modi đã phê duyệt kinh phí nhằm đảm bảo chiếc tàu sân bay đóng trong nước INS Vikrant sẵn sàng phục vụ vào năm 2018.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã thông qua kế hoạch đóng thêm tàu sân bay thứ ba với tên gọi INS Vishal. Với độ choán nước 65.000 tấn, đây sẽ là tàu sân bay lớn nhất của Ấn Độ. Theo Reuters, các nguồn tin quân sự Ấn Độ nhận định tàu sân bay INS Vishal có thể được đóng bằng công nghệ Mỹ. Dù chiếc tàu sân bay thứ ba chưa sẵn sàng phục vụ trong ít nhất 10 năm tới, nhưng một sự hợp tác như thế sẽ đánh dấu một bước chuyển dịch có tính bước ngoặt của Ấn Độ về công nghệ tàu sân bay từ Nga sang Mỹ. Giới chuyên gia nhận định New Delhi có thể đang muốn giảm bớt phụ thuộc vào Moscow sau 45 năm kiên trì nhập khẩu thiết bị quân sự từ Nga, đặc biệt khi bước chuyển đó cho phép Ấn Độ đặt hàng dài hạn các máy bay do Mỹ chế tạo hoặc hợp tác phát triển chiến đấu cơ.
Chuyển giao công nghệ
Tuyên bố chung của Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đã nói đến “một nhóm chuyên viên thăm dò việc chia sẻ công nghệ và thiết kế tàu sân bay” như một phần của thỏa thuận Sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng (DTTI). Giới chức quốc phòng tại quốc gia Nam Á khẳng định đây là cơ sở để Mỹ tham gia trực tiếp vào việc đóng tàu sân bay INS Vishal. “Hiện hải quân Mỹ là lực lượng duy nhất vận hành các tàu sân bay cỡ lớn, vì thế chúng tôi đang xem xét những gì mà họ có thể cung cấp, những gì khả thi”, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Người Ấn có lý do để tiến hành bước chuyển dịch nói trên. Tờ The Times of India dẫn lời cựu Phó đô đốc Ấn Độ Arun Kumar Singh cho biết các nhà hoạch định chiến lược của hải quân Ấn Độ muốn có một đội tàu sân bay đủ khả năng phóng những máy bay nặng hơn, và cách duy nhất để làm điều đó là từ các boong phẳng hiện có trên tàu sân bay Mỹ thay vì boong kiểu “nhảy cầu” trên tàu Nga.
Trọng tâm hợp tác giữa hai bên là đề nghị của Mỹ về chia sẻ công nghệ Hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) hiện được lắp đặt trên các tàu sân bay thuộc lớp Gerald R.Ford. Hệ thống này cho phép máy bay cất cánh từ boong phẳng với tốc độ nhanh. Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin tiết lộ Mỹ đến tận gần đây vẫn phản ứng lạnh nhạt với ý muốn của Ấn Độ, nhưng mọi việc “cuối cùng đã trở nên tích cực hơn”.
Với Ấn Độ, đó sẽ là bước nhảy quan trọng. Lực lượng tàu sân bay hiện hữu của nước này hiện sử dụng các bệ dốc kiểu “nhảy cầu” để giúp máy bay cất cánh. Vì lý do đó, các máy bay phải nhẹ hơn và số lượng phi cơ mà tàu sân bay mang theo cũng ít hơn. Trong khi đó, với hệ thống EMALS trên boong phẳng, giới quân sự Ấn Độ hy vọng có thể gia tăng số lượng máy bay trên tàu từ 34 lên 50 chiếc, triển khai chiến đấu cơ hạng nặng, có tầm hoạt động xa hơn và máy bay cảnh báo sớm.
Chuyên gia James Hardy thuộc chuyên san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly từng nhận định: “EMALS là một trong những phát kiến có tính cách mạng cao nhất về công nghệ tàu sân bay, do nó có thể thay đổi hoàn toàn cách thức máy bay cất cánh từ tàu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.