Mỹ dùng vũ khí thời tiết trong chiến tranh Việt Nam như thế nào

30/04/2015 09:54 GMT+7

(TNO) Quân đội Mỹ từng tiến hành một chiến dịch bí mật tạo ra mưa nhân tạo gây lũ lụt, lở đất nhằm cản trở hoạt động của bộ đội Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh Việt Nam.

(TNO) Quân đội Mỹ từng tiến hành một chiến dịch bí mật tạo ra mưa nhân tạo gây lũ lụt, lở đất nhằm gây cản trở hoạt động của bộ đội Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh Việt Nam. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) muốn tiếp tục nghiên cứu và sử dụng “vũ khí thời tiết” bất chấp lệnh cấm, theo tiết lộ của một nhà khọa học Mỹ. 

Hai chiếc RF-4C Phantom đi cùng một chiếc WC-130A của Mỹ thực hiện chiến dịch gây mưa nhân tạo
ở Việt Nam, ngày 31.7.1968 - Ảnh chụp màn hình geographicalimaginations

Chiến dịch Popeye
Trong giai đoạn từ 1967 đến tháng 7.1972, quân đội Mỹ chi 3 triệu USD mỗi năm để tiến hành chiến dịch kiểm soát thời tiết bí mật tại Đông Nam Á, bao gồm Lào, Campuchia và Việt Nam. Để đảm bảo tuyệt mật, chương trình được biết với nhiều tên gọi khác nhau và tên thường được nhắc đến là Chiến dịch Popeye, theo Guardian (Anh).
Mục tiêu của chiến dịch này là tạo ra nhiều mưa gây lụt lội, lở đất nhằm cản trở hoạt động của bộ đội Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh. Đây được cho là lần đầu tiên trên thế giới, thời tiết được dùng để phục vụ mục đích quân sự.
Trong Chiến dịch Popeye, các máy bay quân sự Mỹ WC-130A Hercules và RF-4C Phantom được dùng để tiến hành “gieo hạt vào đám mây” bằng các hạt bạc iodua (một hợp chất giữa bạc và i ốt) làm tăng sự ngưng tụ hơi nước của các đám mây và gây mưa nhiều.
Quân đội Mỹ được cho đã tiến hành gần 2.000 lượt “gieo hạt vào đám mây”, ở Việt Nam là nhiều nhất, trong vòng 5 năm tiến hành Chiến dịch Popeye và được đánh giá là thành công.
Vào tháng 3.1971, phóng viên Jack Anderson của báo Washington Post (Mỹ) đã phanh phui Chiến dịch Popeye trên mặt báo, khiến dư luận quốc tế lên án gay gắt về việc dùng thời tiết làm vũ khí chiến tranh.
Chính quyền Tổng thống Richard Nixon lúc bấy giờ bác bỏ thông tin của tờ Washington Post. Nhưng một năm sau, vào tháng 7.1972, tờ New York Times (Mỹ) tiếp tục phanh phui chương trình Popeye, buộc chính quyền Nixon chấm dứt chiến dịch này.
Đến năm 1974, trước sức ép dư luận trong và ngoài nước, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt  nghị quyết chấm dứt sử dụng “vũ khí thời tiết”. Vào năm 1977, Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua hiệp ước cấm sử dụng vũ khí thời tiết.
CIA muốn tiếp tục dùng “vũ khí thời tiết”, bất chấp lệnh cấm
Vào giữa tháng 2.2015, một nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu về khí hậu, giáo sư Alan Robock hé lộ các nhân viên CIA từng liên lạc và hỏi ông về khả năng biến thời tiết thành vũ khí, theo báo Independent (Anh).
Giáo sư Robock cho hay cách đây ba năm trước, hai nhân viên CIA đã gọi điện thoại cho ông và hỏi liệu các chuyên gia có thể phát hiện các thế lực thù địch nước ngoài gây biến đổi thời tiết Mỹ hay không. Nhưng ông Robock tình nghi mục tiêu của cuộc gọi là nhằm tìm hiểu xem liệu lực lượng quân sự Mỹ có thể biến đổi, phá hoại thời tiết những nước khác hay không.
Theo ông Robock, các nhân viên CIA còn bảo với đồng nghiệp của ông rằng CIA muốn tài trợ cho dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu có sự tham gia của ông, với điều kiện đảm bảo không công bố quá nhiều thông tin về dự án này.
Ông Robock nhắc lại Chiến dịch Popeye và tình nghi CIA muốn ông nghiên cứu “vũ khí thời tiết”. “Tôi biết nhiều thứ khác mà CIA đã làm mà không hề tuân thủ bất kỳ quy định hay luật pháp”, ông Robock nói.
Theo giáo sư Robock, CIA cũng từng bí mật “gieo hạt vào đám mây” để gây mưa hủy hoại mùa thu hoạch mía đường ở Cuba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.