Mỹ, Đức sẽ kết thúc điều tra về bê bối hối lộ của Siemens

16/12/2008 15:41 GMT+7

Ngày 15.12, toà án Mỹ tổ chức phiên điều trần để xem xét việc có nên chấp nhận khoản tiền phạt trị giá 800 triệu USD của Hãng Siemens (Đức), nhằm giải toả các cáo buộc vi phạm luật chống hối lộ đối với tập đoàn này.

Theo Bloomberg, khoản tiền phạt khổng lồ trên sẽ được Siemens nộp cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban Chứng khoán liên bang (SEC) Mỹ, do tập đoàn này đã dùng quỹ đen hối lộ quan chức chính phủ ở nhiều nước để thắng các hợp đồng thương mại.

Ngoài ra, một uỷ ban giám sát của SEC sẽ theo dõi các tài khoản và hoạt động của Siemens trong vòng ít nhất 4 năm để đảm bảo không còn sai phạm. Hồi tháng 11, Siemens tuyên bố dành 1 tỉ euro (1,3 tỉ USD) để lo thu xếp các cáo buộc hối lộ ở Mỹ và Đức.

Đây là khoản tiền nộp phạt lớn nhất tại Mỹ của một tập đoàn bị cáo buộc vi phạm Luật Chống hối lộ. Ngay sau đó, tờ Handelsblatt của Đức tiết lộ, Tập đoàn Siemens cũng đang tiến gần đến thoả thuận với phía công tố viên Đức, để chấm dứt cuộc điều tra trước Giáng sinh 2008. Một toà án tại Munich dự kiến sẽ công bố khoản phạt 400 triệu euro đối với các hợp đồng tài chính trái phép của 5 chi nhánh Siemens trong tuần này. Hồi năm 2007, toà án này cũng đã phạt Siemens hơn 200 triệu euro vì các nghi án hối lộ.

Theo cáo trạng nộp cho toà án liên bang thuộc khu vực Washington DC hôm 12.12, SEC cáo buộc Siemens đã tiến hành ít nhất 4.283 phi vụ chi trả khác nhau với tổng số tiền lên tới 1,4 tỉ USD cho quan chức chính phủ các nước để thắng được hợp đồng về giao thông ở Venezuela, về mạng lưới điện thoại di động ở Bangladesh, các dự án điện ở Israel và hệ thống kiểm soát giao thông ở Nga.

Ngoài ra, tiền lại quả cũng được chi cho các dự án về giao thông tại Trung Quốc, hệ thống mạng lưới điện thoại di động ở VN, Nigeria, các dự án lọc dầu ở Mexico.

Cơ sở cho các cáo buộc về nghi vấn hối lộ của Siemens tại VN là bản báo cáo sơ bộ đề ngày 9.11.2006 của Công ty kiểm toán KPMG, do Siemens uỷ thác, liệt kê một loạt chuyển khoản khả nghi dưới hình thức thanh toán các hợp đồng tư vấn vào một tài khoản ở Singapore của "ông Le Tan Cuong".

Tuy nhiên, hồi năm 2007, ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc đối ngoại của Siemens Việt Nam cho hay, phía Tập đoàn Siemens không có ai tên Le Tan Cuong, hay Lê Tấn Cương tham gia các dự án hay các gói thầu tại VN. "Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra tại Tập đoàn Siemens và chưa có kết luận cụ thể, các thông tin báo chí nêu chỉ là nghi vấn nên chúng tôi không có bất cứ bình luận nào" - ông Giang nói.

Vào thời điểm đó, Bộ Bưu chính - Viễn thông cũng khẳng định không có vụ trưởng nào tại bộ này tên là Lê Tân Cương.

Theo A.P/Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.