Mỹ cố ý làm ngơ khi tàu chiến Trung Quốc vào trong phạm vi 12 hải lý?

05/09/2015 14:46 GMT+7

(TNO) Mỹ đã không xét nét việc 5 tàu chiến Trung Quốc đi vào trong khoảng cách 12 hải lý của quần đảo Aleutian (Alaska, Mỹ) vì mong muốn có cách cư xử tương ứng trên Biển Đông, theo The Washington Post .

(TNO) Mỹ đã không xét nét việc tàu chiến Trung Quốc đi vào trong khoảng cách 12 hải lý của quần đảo Aleutian (Alaska, Mỹ) vì mong muốn có cách cư xử tương ứng trên Biển Đông, theo The Washington Post.

Hai chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2014 tại Trân Châu Cảng, Mỹ năm 2014. Mỹ khẳng định 5 tàu chiến Trung Quốc không có gì sai khi tiếp cận đảo của Mỹ ở khoảng cách bên trong 12 hải lý vào cuối tháng 8.2015. Đây có thể là động thái nhắc nhở Bắc Kinh nên cư xử tương tự với tàu các nước trên Biển Đông - Ảnh: Reuters

Nhóm 5 tàu chiến Trung Quốc đã quay về sau khi phía Mỹ phát hiện các tàu này hoạt động ngoài khơi Alaska. Tuy nhiên, câu chuyện này tiếp tục khiến dư luận chú ý.

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên tiết lộ, trên đường về sau khi sang Viễn Đông Nga tập trận chung, các tàu Trung Quốc đã tiếp cận khoảng cách bên trong 12 hải lý của quần đảo Aleutian, bang Alaska của Mỹ. Cách Mỹ xử lý vấn đề này ít nhiều ảnh hưởng tới những cuộc đụng độ tiềm tàng giữa tàu của hai nước trên biển, The Washington Post hôm 4.9 cho biết.

Mỹ đã khẳng định Trung Quốc không hề vi phạm luật quốc tế trên biển khi đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Aleutian. Giải thích về điều này, một quan chức ở Lầu Năm Góc so sánh việc làm của Trung Quốc cũng “vô hại” như cách các tàu chiến Mỹ đang hoạt động ở eo biển Hormuz, ngoài khơi Iran.

Chính vì hành vi “hợp lệ” ấy, Mỹ đã không triển khai tàu hải quân nào ra cảnh báo Trung Quốc trong vụ 5 tàu chiến Bắc Kinh tiếp cận khu vực gần Alaska kể trên. Theo trang tin của Học viện Hải quân Mỹ (USNI), tuy Lầu Năm Góc không nói rõ thời gian các tàu này đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý, nhưng USNI tính toán dựa trên vị trí di chuyển các tàu này thì vụ việc xảy ra vào khoảng đêm thứ tư 2.9 hoặc sáng 3.9.

David Titley, một thiếu tướng hải quân về hưu và là giáo sư tại Đại học bang Pennsylvania, thành viên tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét rằng hành động mềm mỏng của Washington vừa qua cũng có tác dụng cho những gì xảy ra trên Biển Đông trong tương lai.

Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều hành động tranh chấp, thái độ hung hăng trong khu vực Biển Đông bằng cách tuyên bố chủ quyền phi lý chiếm gần trọn Biển Đông, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở đây, theo The Washington Post.

Việc này khiến Mỹ dù đã lên tiếng chỉ trích, nhưng sẵn sàng cư xử mềm mỏng miễn Trung Quốc không làm điều gì vượt khỏi vấn đề pháp lý.

“Trung Quốc là một lực lượng hải quân toàn cầu, và chúng tôi khuyến khích họ cũng như các lực lượng hải quân quốc tế khác hoạt động tại vùng biển chung, miễn tất cả tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, chuyên nghiệp và tôn trọng luật pháp trên biển”, theo Trung tá hải quân William Marks, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc.

Trên thực tế, chính Mỹ đã hoạt động tại vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi căng thẳng có thể nổ ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, The Washington Post cho biết.

Trong 2 tháng qua, ít nhất 3 tàu chiến Mỹ đã hoạt động ở khu vực này gồm tàu chiến USS Fort Worth, tàu khu trục USS Lassen, tàu đổ bộ USS Germantown. Tàu Fort Worth tham gia tập trận với Malaysia, trong khi USS Lassen phối hợp với Singapore và USS Germantown tập trận cùng với hải quân Indonesia, ông Marks nói.

Có thể thấy, việc Mỹ lên tiếng xác nhận sự hiện diện của 5 tàu chiến Trung Quốc ở ngoài khơi Alaska nhưng khẳng định họ không hề vi phạm lãnh hải Mỹ cũng là dấu hiệu để nhắc nhở Trung Quốc nên cư xử tương tự trên Biển Đông và thúc đẩy tự do trên biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.