Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông

31/05/2012 03:46 GMT+7

Tình hình đáng quan ngại trên biển, nhất là ở biển Đông , khiến Mỹ xem xét lại việc gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

UNCLOS được xem là công ước quan trọng bậc nhất về luật Biển quốc tế và đã được 159 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, Mỹ đến nay vẫn đứng ngoài công ước này vì không chấp nhận việc UNCLOS điều chỉnh về khai thác đáy biển nằm ngoài thềm lục địa của các quốc gia. Trên thực tế, Washington vẫn chấp nhận áp dụng UNCLOS như một tập quán, trừ phần XI của công ước liên quan đến khu vực đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của các bên.

Sóng gió trên biển

Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông
Tàu Trung Quốc dừng ngay trước mũi tàu Impeccable của Mỹ trên biển Đông hồi năm 2009 - Ảnh: US Navy 

Trong quá khứ, từng xảy ra các vụ kèn cựa giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1.4.2001, máy bay EP-3 của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc va chạm trên không và máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Máy bay Trung Quốc bị rơi và phi công mất tích. Đến tháng 3.2009, tàu Impeccable của Mỹ suýt va chạm với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Vụ việc cho thấy khác biệt về cách hiểu và lý giải giữa hai nước về vùng đặc quyền kinh tế có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm cho khu vực.

 

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố nước này sẽ khôi phục sức mạnh hải quân xuyên suốt tại châu Á - Thái Bình Dương và sẽ luôn “cảnh giác” sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại trường hải quân Mỹ tại bang Maryland, ông Panetta kêu gọi các tân binh sẵn sàng để được điều động đến châu Á - Thái Bình Dương, khu vực trọng yếu trong chính sách tương lai của Washington.

Cuối tuần này, Bộ trưởng Panetta sẽ đến Singapore dự Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương đối thoại Shangri-La rồi thăm Việt Nam và Ấn Độ.

Trong một diễn biến liên quan, hải quân Mỹ và Indonesia ngày 30.5 bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 8 ngày tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Đông Java, theo AFP.

H.G

Những diễn biến gần đây, đặc biệt là trên biển Đông, càng khiến giới lãnh đạo Mỹ xem xét nghiêm túc việc gia nhập UNCLOS. Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường các động thái đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, đẩy mạnh về bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý và có hành động gây quan ngại cho nhiều bên.

Trong giai đoạn tháng 5-6.2011, tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát Việt Nam trong khi trên các diễn đàn và cả cơ quan truyền thông chính thức của nước này, như Thời báo Hoàn Cầu, xuất hiện nhiều lời đe dọa dùng vũ lực, thậm chí cảnh báo chiến tranh. Căng thẳng kéo dài hơn 1 tháng qua giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Scarborough cũng khiến giới quan sát e ngại tình hình có thể vượt quá tầm kiểm soát. Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc gia tăng sức ép lên Nhật Bản trong tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tàu hai bên thường xuyên chạm mặt tại đây.

Những hành động trên của Trung Quốc bị cho là đã đe dọa tự do hàng hải và sự tuân thủ luật pháp quốc tế, những điều được Mỹ xem là lợi ích quốc gia. Do vậy, nước này liên tục có động thái tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương như giữ lại căn cứ Futenma ở Nhật, củng cố lực lượng đóng tại Hàn Quốc, đưa lính thủy đánh bộ đến Úc… Hàng loạt các cuộc diễn tập chung với các nước ASEAN cũng phần nào nói lên quan tâm của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, những động thái trên bị cho là vẫn chưa đủ ngăn Trung Quốc hành xử như thể 80% diện tích trên biển Đông là “ao nhà” của mình. Muốn bảo đảm sự tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, Mỹ không thể đứng ngoài UNCLOS - văn bản đã pháp điển hóa một cách toàn diện các quy tắc về luật biển quốc tế.

Bánh lái cần thiết

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey ủng hộ phê chuẩn công ước vì tin rằng nó sẽ củng cố lợi ích an ninh quốc gia. “Nếu không phê chuẩn công ước trong thời gian tới thì sẽ xảy ra nguy cơ đối đầu với các nước khác, vốn diễn giải tiền lệ pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ”, truyền thông Mỹ dẫn lời tướng Dempsey nói. 

Việc không tham gia UNCLOS khiến Mỹ ở thế yếu khi phải vận dụng tiền lệ pháp và tập quán quốc tế để giải quyết các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, những nguồn tiền lệ pháp lại chưa rõ ràng, không thống nhất, đầy đủ. Ngoài ra, UNCLOS tạo ra nhiều cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Do không gia nhập công ước nên Mỹ không thể tham gia các cơ quan đó, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về luật Biển trong khi Trung Quốc lại có thẩm phán ở tòa này. Bên cạnh đó, nếu không gia nhập UNCLOS thì Mỹ cũng khó tìm được cơ sở pháp lý cũng như sự chính danh để viện dẫn công ước bác bỏ các tuyên bố phi lý của Trung Quốc. 

Nếu ký kết UNCLOS, Mỹ sẽ có thêm nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lưu thông của các tàu thuyền, kể cả quân sự trên các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, biển Đông… một cách chính danh hơn. Từ đó, tiếng nói của những đồng minh của Mỹ xung quanh biển Đông như Philippines và cả các quốc gia nạn nhân của đường lưỡi bò như Malaysia và Việt Nam sẽ có thể được lắng nghe trong “câu lạc bộ” UNCLOS nhiều hơn.

Lê Minh Phiếu - Lê Vĩnh Trương

>> Nhiều nước giúp Philippines tăng cường quân sự
>> Trung Quốc sắp tự đóng hai tàu sân bay
>> ASEAN, Mỹ đẩy mạnh hợp tác an ninh
>> 5 tàu chiến Trung Quốc tiến gần hải phận Philippines
>> Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.