Mối nguy hiểm của Trung Quốc ở Hoàng Sa

27/07/2015 07:57 GMT+7

Trung Quốc khởi công hàng loạt công trình phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có một trung tâm chỉ huy liên thủ phòng ngự.

Trung Quốc khởi công hàng loạt công trình phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có một trung tâm chỉ huy liên thủ phòng ngự.
Mô hình tòa nhà trại giam (ảnh trên) và công trình xử lý nước thải phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm - Ảnh: Hinews.cn/Chinanews.com
Mô hình nhà giam (ảnh trên) và công trình xử lý nước thải phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm - Ảnh: Hinews.cn/Chinanews.com
Những diễn biến đáng lo ngại ở Trường Sa phần nào khiến cộng đồng quốc tế ít chú ý đến tình trạng nguy hiểm không kém đang diễn ra tại quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là ở đảo Phú Lâm. Nơi này bị Trung Quốc phù phép thành thủ phủ của cái gọi là “thành phố Tam Sa” để đơn phương tuyên bố quyền quản lý đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2012 đến nay, chính quyền Bắc Kinh liên tục cho xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phi pháp ở Phú Lâm và không giấu giếm ý định xây dựng Hoàng Sa thành căn cứ quân sự cùng với củng cố tổ chức hành chính để tạo cơ sở chiếm đoạt vĩnh viễn quần đảo này và tiến tới thôn tính nốt Trường Sa.
“Chuẩn bị chiến tranh”
Mới đây nhất, Nhân Dân nhật báo đưa tin “lãnh đạo thành phố Tam Sa” ngày 25.7 ngang nhiên cho khởi công một trại giam mới và Trung tâm chỉ huy liên thủ phòng ngự ở Phú Lâm. Trung Quốc không công bố rõ chi tiết nhưng truyền thông nước này khoe rằng trung tâm nói trên sẽ đóng vai trò điều hành hoạt động “phòng thủ phối hợp” giữa quân đội, cảnh sát và ngư dân đang đồn trú phi pháp trên các đảo ở khu vực. Cơ sở này cũng là nơi huấn huyện, tích trữ vật tư chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh trong tương lai. Trung tâm sẽ “nâng cao khả năng chỉ huy phối hợp hiệp đồng giữa dân, cảnh sát và quân khu Tam Sa, tăng cường phòng thủ khu vực biển gần” để bảo vệ cái gọi là quyền và lợi ích hải dương của Trung Quốc, theo Nhân Dân nhật báo.
Hồi năm 2012, Tân Hoa xã từng dẫn lời chuyên gia Bạch Tú Lan của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho rằng Tam Sa cần được tập trung đầy đủ cả hải, lục, không quân, biến nơi đây thành tiền đồn quân sự. Đáng quan ngại hơn, theo chuyên gia Bạch, đảo Phú Lâm có thể bị biến thành địa điểm trung chuyển, tiếp vận cho tàu chiến, máy bay từ đảo Hải Nam, phục vụ mưu đồ kiểm soát cả khu vực Biển Đông.
Về trại giam mới trên đảo Phú Lâm, Nhân Dân nhật báo đưa tin cơ sở này gồm 2 tòa nhà 3 tầng, có thể giam giữ tới 56 người. “Phó thị trưởng Tam Sa” Phùng Văn Hải lên giọng nhấn mạnh trụ sở giam giữ là nhằm giữ gìn xã hội ổn định, bảo vệ vững chắc vùng biển... Thực chất, ai cũng biết Hoàng Sa và vùng phụ cận là phần không thể tách rời của Việt Nam, là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân ta. Chỉ có các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc thường xuyên bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Từ đó, có thể thấy ý đồ “bảo vệ vững chắc vùng biển” của trại giam kia là nhằm vào ai.
Củng cố hạ tầng phi pháp
Ngày 26.7, đến lượt Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ 2 của Trung Quốc, khoe rằng nhằm đánh dấu 3 năm thành lập “thành phố Tam Sa”, giới chức Trung Quốc hồi cuối tuần đưa vào sử dụng nhiều công trình dân sự mới trên đảo Phú Lâm.
Thứ nhất là công trình lắp đặt, bố trí cầu cảng bao gồm kho trữ lạnh, cột hướng dẫn tàu bè, kho vật tư ngư nghiệp... Theo Tân Văn xã, công trình này sẽ giúp “tăng cường khai thác, bảo vệ tài nguyên và tàu bè của ngư dân Trung Quốc” hoạt động ở Biển Đông. Thứ hai là Trung tâm dự trữ vật tư ứng cấp có thể trữ lạnh tới 150 tấn hàng phục vụ những người đang sinh sống trái phép trên đảo. Ngoài ra, “chính quyền Tam Sa” đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải và trạm thu gom vận chuyển rác thải quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa - NV).
Những diễn biến nói trên chứng tỏ Trung Quốc vẫn bất chấp dư luận và pháp lý, vi phạm chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa để ra sức hợp lý hóa “thành phố Tam Sa”. Thực tế, không ai công nhận thực thể hành chính phi pháp này và bằng chứng mới nhất là Google Maps hồi giữa tháng 7 đã loại bỏ tên phiên âm của “thành phố Tam Sa” là “Sansha” ra khỏi hệ thống tìm kiếm của dịch vụ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.