Máy bay dân sự vượt đại dương trong 1 giờ

05/08/2015 09:24 GMT+7

Chuyến bay nối liền London với New York có thể chỉ mất khoảng 60 phút nếu Hãng máy bay Airbus triển khai tham vọng sáng chế máy bay có tốc độ gấp 4 lần vận tốc âm thanh.

Chuyến bay nối liền London với New York có thể chỉ mất khoảng 60 phút nếu Hãng máy bay Airbus triển khai tham vọng sáng chế máy bay có tốc độ gấp 4 lần vận tốc âm thanh.

Mô phỏng máy bay siêu thanh của Airbus - Ảnh: Business Insider
Mô phỏng máy bay siêu thanh của Airbus - Ảnh: Business Insider
Với vận tốc gần 900 km/giờ ở những dòng máy bay thương mại hiện đại, các hành khách hiện phải mất từ 7 - 8 giờ để hoàn tất cuộc hành trình vượt đại dương nối liền hai thủ đô thương mại của thế giới là London (Anh) và New York (Mỹ). Đã có lúc chiếc Concorde huyền thoại làm nên điều kỳ diệu khi rút ngắn thời gian này còn lại 3 giờ rưỡi với tốc độ tối đa đạt Mach 2,04 (gấp 2,04 lần vận tốc âm thanh, khoảng 2.200 km/giờ).
Thế nhưng kể từ sau tai nạn thảm khốc tại Paris vào năm 2000, toàn bộ dòng Concorde gồm 20 chiếc đã bị xếp xó cho đến nay. Dù vậy, giấc mơ về máy bay siêu thanh dân sự vẫn luôn ám ảnh những nhà sản xuất phương Tây.
Gấp đôi vận tốc Concorde
Theo trang tin Business Insider, Văn phòng đăng ký bằng sáng chế và tên thương mại Mỹ vừa cấp giấy phép cho Tập đoàn Airbus theo đuổi tham vọng chế tạo máy bay có vận tốc nhanh gấp 2 lần Concorde. Nói một cách chính xác, Airbus, hãng kế thừa công ty tham gia liên doanh chế tạo Concorde - Aérospatiale (Pháp), vừa được cấp bằng sáng chế cho dòng máy bay có vận tốc tối đa đạt mức Mach 4,5 (gấp 4,5 lần vận tốc âm thanh, đạt 5.500 km/giờ).
Theo mô tả của bằng sáng chế, dòng máy bay siêu tốc có thể đạt được tốc độ trên nhờ vào 2 bước cải tiến. Trước hết, thiết kế của máy bay bao gồm “phần thân, cánh tam giác vòm đầu nhọn được phân đều ở hai bên, và một hệ thống động cơ tạo lực đẩy cho máy bay”. Hệ thống này có hai động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), một động cơ rốc két, và hai động cơ tua bin phản lực (turbojet) có thể gấp vào bên trong thân.
Điểm thứ hai là phi cơ siêu thanh thậm chí không bay như những máy bay thông thường. Đầu tiên hai động cơ tua bin phản lực sẽ giúp máy bay cất cánh theo phương gần như thẳng đứng, và bộ đôi động cơ này sẽ gấp vào trước khi phi cơ đạt đến vận tốc âm thanh. Kế đến, động cơ rốc két sẽ đưa máy bay lên độ cao đủ chuẩn để động cơ phản lực dòng thẳng đẩy phi cơ đến tốc độ gấp 4,5 lần âm thanh.
Theo bằng sáng chế của Airbus, việc máy bay được nâng theo phương thẳng đứng cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của dòng siêu thanh mới, bởi nó giúp hạn chế tác động từ tiếng nổ siêu âm phát ra khi vật thể vượt “tường âm thanh”. Phương pháp cất cánh thẳng đứng sẽ cho phép những loạt sóng âm này lan tỏa theo phương ngang của tầng khí quyển, thay vì tống thẳng xuống mặt đất như chiếc Concorde. Tiếng nổ siêu âm là một trong những nguyên nhân then chốt dẫn đến thất bại của dòng máy bay này. Đường bay theo phương ngang gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, khiến Concorde bị cấm bay qua đất liền.
Chỉ dành cho VIP
Theo bằng sáng chế của Airbus, số lượng hành khách trên máy bay sẽ giới hạn ở mức 20 người. “Về khía cạnh ứng dụng dân sự, thị trường tiềm năng xoáy vào các hành khách VIP và phục vụ những chuyến công tác kinh doanh, những người cần vượt đại dương trong ngày”, giấy phép ghi rõ.
Ngoài chặng bay London - New York trong 60 phút, máy bay siêu thanh mới có thể hoàn thành các chuyến hành trình xa hơn, như từ Tokyo đến Los Angeles trong 3 giờ, theo Airbus. Không chỉ dừng ở đó, Airbus còn ôm tham vọng sẽ hợp tác với các khách hàng quân sự, phục vụ việc chuyển quân chớp nhoáng, đặc biệt là vận chuyển biệt kích.
Concorde và Tu-144
Cuộc chạy đua máy bay siêu thanh có nguồn gốc từ thời Chiến tranh lạnh giữa NATO với Liên Xô. Đại diện của phương Tây là Concorde, còn Liên Xô xuất xưởng Tu-144.
Theo Sputnik News, trên thực tế Tu-144 ra lò sớm hơn “đứa con chung” của Anh - Pháp đến 3 tháng, trở thành máy bay dân sự siêu thanh đầu tiên trên thế giới, với tốc độ Mach 2,35 so với Mach 2,04 của Concorde. Tuy nhiên, Tu-144 đã sớm bị “trùm mền” vào thập niên 1970 do Moscow không có sẵn những hành khách siêu giàu chấp nhận chi bộn cho những chuyến bay siêu thanh.
Trong khi đó, Concorde, với nguồn thu từ giới nhà giàu phương Tây, tiếp tục duy trì hoạt động thêm 2 thập niên nữa, trước khi gặp nạn vào ngày 25.7.2000 tại Paris.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.