Mập mờ lợi cả đôi bên

26/02/2012 03:41 GMT+7

Thỏa thuận mới đạt được giữa Serbia và Kosovo giúp Serbia có cơ hội được công nhận quy chế ứng viên gia nhập EU trong tuần tới. Nó cũng là bước tiến quan trọng đối với Kosovo trên con đường đến mục tiêu được kết nạp vào EU và được công nhận rộng rãi hơn nữa là quốc gia độc lập.

Trước hết, đây là một thành tựu của EU về ngoại giao và pháp lý. Về lâu dài, EU không thể loại trừ Serbia khỏi tiến trình liên kết và nhất thể hóa châu lục trong khi lại muốn sớm kết nạp Kosovo để giúp vùng này củng cố nền độc lập và tiếp tục phát triển. Thỏa thuận nói trên giúp EU tiến lại ngày càng gần hơn mục tiêu ấy.

Trong thỏa thuận, Serbia tiếp tục không công nhận nền độc lập của Kosovo nhưng chấp nhận để vùng này hiện diện trên các diễn đàn quốc tế như một quốc gia, có thể ký kết các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Cái tên Kosovo được sử dụng với sự chú giải về nghị quyết năm 1999 của HĐBA LHQ coi Kosovo là một phần lãnh thổ của Serbia, đồng thời bao gồm cả phán quyết của Tòa án quốc tế của LHQ năm 2010 coi việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập là hợp pháp.

Cách viện dẫn như thế tạo nên sự mập mờ về tư cách pháp lý quốc tế của Kosovo. Ai hiểu theo kiểu gì cũng được. Serbia vì mục tiêu được gia nhập EU nên sẽ dần giảm bớt sự chống đối nền độc lập của Kosovo. Trong khi đó, Kosovo, và đằng sau là EU, tiếp tục dùng triển vọng gia nhập EU để ép Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo. Mập mờ như trên có lợi cho cả hai, giúp Kosovo tạo sự đã rồi và Serbia giữ được thể diện.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.