Mã Anh Cửu và những ngày sóng gió sắp tới ở Đài Loan

05/12/2014 11:00 GMT+7

(TNO) Thất bại của Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan có thể sẽ biến ông Mã Anh Cửu trở thành “con vịt què” suốt phần còn lại của nhiệm kỳ lãnh đạo.

>> Mã Anh Cửu sẽ từ chức chủ tịch Quốc Dân đảng

Ông Mã Anh từ chức Chủ tịch Quốc dân Đảng sau thất bại nặng nề ở cuộc bầu cử địa phương hôm 29.11
Ông Mã Anh từ chức Chủ tịch Quốc dân đảng sau thất bại nặng nề ở cuộc bầu cử địa phương hôm 29.11 - Ảnh: Reuters

Quốc dân đảng (KMT) của nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vừa “đại bại” trong cuộc bầu cử địa phương hôm 29.11 ở vùng lãnh thổ này. Từ chỗ nắm giữ 15 trong số 22 thành phố và huyện của Đài Loan, KMT hiện chỉ còn 6. Đảng này mất cả thành phố Đài Bắc và Đài Trung – trung tâm tài chính của Đài Loan, theo South China Morning Post.

Trước cả khi kết quả chính thức được công bố, người đứng đầu Viện hành pháp Giang Nghị Hoa đã tuyên bố từ chức, thay thế ông Giang là ông Mao Trị Quốc. Hôm 1.12, hàng loạt thành viên Viện hành pháp cũng từ chức. Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cũng rời bỏ vị trí Chủ tịch KMT vào ngày 3.12 nhưng vẫn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan.

Dù vậy, Wall Street Journals (WSJ) dẫn lời bình luận của Wang Yeh-li, Trưởng khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, rằng ông Mã sẽ trở thành “con vịt què” trong suốt phần còn lại của nhiệm kỳ lãnh đạo.

Sinh viên Đài Loan chiếm đóng tòa nhà Viện lập pháp nhằm phản đối một hiệp định thương mại với Trung Quốc và tạo nên phong trào biểu tình Hoa hướng dương
Sinh viên Đài Loan chiếm đóng tòa nhà Viện lập pháp nhằm phản đối một hiệp định thương mại với Trung Quốc và tạo nên phong trào biểu tình Hoa hướng dương - Ảnh: Reuters

Bị ảnh hưởng đầu tiên là chính sách của Đài Loan đối với Trung Quốc. Ông Mã Anh Cửu được biết đến là người ủng hộ phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi trì hoãn đối thoại về việc Bắc Kinh muốn thống nhất hai bờ eo biển. Từ khi ông Mã lên nắm quyền, quan hệ Trung Quốc – Đài Loan đã “nồng ấm” lên nhiều.Theo đó, Trung Quốc và Đài Loan đã ký với nhau 21 thỏa thuận thương mại từ năm 2008.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử có thể báo hiệu một giai đoạn “lạnh nhạt” hơn cho mối quan hệ này. “Các chính sách liên quan Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều sự cản trở hơn bao giờ hết”, Wang Yeh-li nói. “Rất khó để hiệp ước thương mại nào có thể được ký kết (kể từ sau cuộc bầu cử – NV)”, WSJ dẫn lời một giáo sư nghiên cứu về Đài Loan tại Đại học Liên hợp Bắc Kinh.

Phong trào Hoa hương dương thể hiện nỗi lo sợ của người Đài Loan trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh
Phong trào Hoa hương dương thể hiện nỗi lo sợ của người Đài Loan trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Mặt khác, dù cử tri Đài Loan có thể không muốn ngày càng thân thiết, dẫn đến phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, họ sẽ phải chịu thiệt nếu các chính sách “thân Trung Quốc” của ông Mã Anh Cửu bị cản trở, ít ra là trong ngắn hạn. Theo WSJ, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan.

Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa và dịch vụ của Đài Loan xuất sang Trung Quốc không có các thỏa thuận thương mại tự do hỗ trợ. Sắp tới, hàng hóa Đài Loan có thể vấp phải sự cạnh tranh dữ dội của hàng Hàn Quốc trong bối cảnh Seoul đang đẩy mạnh một thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm giúp các công ty nước này được ưu đãi khi làm ăn ở Trung Quốc, WSJ cho hay.

Ông Mã Anh Cửu được cho đã bị “trói tay” sau thất bại của KMT, lại bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan khi nền kinh tế Đài Loan bị ảnh hưởng.

Giá nhà ở và bất động sản tại Đài Loan cũng là một vấn đề. Nhiều thanh niên không thể tự mua nổi nhà
Giá nhà ở và bất động sản tại Đài Loan cũng là một vấn đề. Nhiều thanh niên không thể tự mua nổi nhà - Ảnh: AFP

Bên cạnh vấn đề Trung Quốc, việc cử tri Đài Loan mất lòng tin vào KMT cho thấy vùng lãnh thổ này đang tồn tại nhiều vấn đề cần thay đổi.

Bloomberg dẫn ra mức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đài Loan trung bình trong 5 năm kể từ 2008 (lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu, đồng thời là năm ông Mã lên nắm quyền) là 3,3%. Trong khi mức tăng GDP trung bình 5 năm trước đó là 5%. Mức lương năm 2013, nếu điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát, thấp hơn cả mức lương của năm 1998.

Trong khi đó, giá nhà tại Đài Loan đã tăng đến 82% từ năm 2008, đi cùng là khoảng cách giàu nghèo nới rộng, theo Bloomberg. Giá bất động sản quá cao đang khiến nhiều thanh niên không thể mua nổi nhà. Cử tri cũng chỉ trích KMT luôn ưu ái các doanh nghiệp lớn hơn những người làm ăn nhỏ, theo The Straits Times.

Kết quả cuộc bầu cử địa phương cho thấy người dân Đài Loan đang cần những sự thay đổi mạnh mẽ
Kết quả cuộc bầu cử địa phương cho thấy người dân Đài Loan đang cần những sự thay đổi mạnh mẽ - Ảnh: Reuters

Cuối cùng, sự yếu kém của chính quyền Đài Loan trong việc ngăn chặn những vụ bê bối thực phẩm cũng góp phần làm nên thất bại lần này của KMT và đe dọa sẽ khiến thời gian nắm quyền còn lại của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu thêm “u ám”.

Đầu năm 2016, ông Mã Anh Cửu sẽ rời chiếc ghế nhà lãnh đạo Đài Loan sau 2 nhiệm kỳ, tuy vậy “di sản” của ông sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đua của KMT để tiếp tục nắm giữ vị trí này, cũng như tác động đến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Hà Chi

>> Ông Mã Anh Cửu âm thầm thăm Mỹ
>> Ông Mã Anh Cửu nhậm chức
>> Ông Mã Anh Cửu tiếp tục lãnh đạo Đài Loan
>> Bầu cử Đài Loan: Ông Mã Anh Cửu dẫn trước sít sao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.