Lối thoát cho 'người hùng' WikiLeaks

15/03/2015 09:00 GMT+7

Các công tố viên Thụy Điển quyết định sang Anh thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, mở ra viễn cảnh ông có thể sớm được trả tự do.

Các công tố viên Thụy Điển quyết định sang Anh thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, mở ra viễn cảnh ông có thể sớm được trả tự do.

Assange trong một lần phát biểu tại ban công của tòa đại sứ Ecuador tại London - Ảnh: AFP
Nữ công tố viên Thụy Điển Marianne Ny, người săn lùng ông Assange hơn 4 năm qua
Julian Assange có thể nhìn thấy chút ánh sáng tự do le lói ở phía cuối đường hầm sau khi các công tố viên Thụy Điển ngày 13.3 đề nghị sang London thẩm vấn ông về các cáo buộc tấn công tình dục. Dĩ nhiên, nhà hoạt động người Úc đồng ý ngay, nhất là sau nhiều năm mỏi mòn chờ đợi. Sáng kiến của phía Thụy Điển có thể giúp chấm dứt thế bế tắc của cuộc đối đầu pháp lý, vốn khiến nhà báo 43 tuổi hao phí 4 năm rưỡi cuộc đời, kể từ lúc bị truy nã.
Luật sư của Assange đã hoan nghênh đề xuất của Thụy Điển, đồng thời cho biết cuộc thẩm vấn sẽ là bước đi đầu tiên nhằm giúp thân chủ của mình tránh bị dẫn độ sang đất nước Bắc Âu. “Ông ấy chấp thuận cuộc thẩm vấn ở London. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi đã chờ đợi điều này trong hơn 4 năm”, theo BBC dẫn lời luật sư Per Samuelsson, đồng thời cho hay ông Assange rất vui trước diễn tiến của sự việc. Bộ Ngoại giao Anh cũng cam kết hỗ trợ cuộc thẩm vấn: “Như đã đề cập trước đây, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các công tố viên Thụy Điển theo yêu cầu”.
Các công tố viên Thụy Điển trước đây chỉ khăng khăng muốn đưa Assange sang nước này thẩm vấn. Lý giải cho sự thay đổi đột ngột trên, công tố viên Thụy Điển Marianne Ny nói: “Quan điểm của tôi luôn là việc tra hỏi ông ấy tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh sẽ làm giảm chất lượng cuộc thẩm vấn. Nay vì thời gian không còn nhiều nên tôi đành chấp nhận một số thiếu sót như vậy trong cuộc điều tra, cũng như mọi rủi ro là cuộc thẩm vấn không giúp vụ việc tiến triển”.
Cuộc chiến dẫn độ
Stockholm đã phát lệnh bắt Assange vào năm 2010, theo sau các cáo buộc tấn công tình dục và cưỡng hiếp hai phụ nữ Thụy Điển, theo Reuters. Ông Assange được cho đã gặp hai phụ nữ trên khi đến nước này hồi tháng 8.2010. Luật sư của một nguyên đơn đã hối thúc giới chức Thụy Điển thẩm vấn Assange càng sớm càng tốt. “Đối với thân chủ tôi, các tội danh phải được đưa ra trước tháng 8 tới”, theo AFP dẫn lời luật sư Claes Borgstrom. Vị luật sư này giải thích thêm rằng thời hạn khởi tố đối với cáo buộc tấn công tình dục là 5 năm và 10 năm đối với tội cưỡng hiếp. Điều này có nghĩa theo luật Thụy Điển, thời hạn khởi tố tội tấn công tình dục đối với Assange sẽ hết hiệu lực vào tháng 8 tới. Cho đến nay, Assange vẫn chưa bị buộc tội chính thức, theo BBC. Ông chủ WikiLeaks cũng bác mọi tội danh chống lại mình và cho rằng việc Stockholm săn lùng ông là mang động cơ chính trị nhằm mở đường cho việc dẫn độ sang Mỹ.
Lo sợ bị London bắt giữ và đưa sang Thụy Điển, cha đẻ WikiLeaks đã đến tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 đến nay. Nhờ vậy, trong hơn 2 năm qua, Assange vẫn chưa bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc tiết lộ thông tin mật. “Nếu rời khỏi (Đại sứ quán Ecuador), ông ấy sẽ mất quyền miễn trừ chính trị và cuối cùng sẽ lãnh án 35 - 40 năm tù giam tại Mỹ”, theo BBC dẫn lời luật sư Samuelson. Washington đã mở cuộc điều tra vụ WikiLeaks tung 500.000 tập tin mật liên quan tới các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cũng như 250.000 thư tín ngoại giao hồi năm 2010, khiến Mỹ bị một phen bẽ bàng.
Vụ vây hãm đắt giá
Trước quyết định của Thụy Điển, không chỉ Assange mà cả Anh và Ecuador có lẽ đều vui như mở cờ trong bụng. Kể từ khi ông Assange đến “ăn nhờ ở đậu” tại Đại sứ quán Ecuador, quốc gia Nam Mỹ gặp không ít khó khăn về mặt quan hệ ngoại giao với nhiều nước. London cũng tiêu tốn hết 15,4 triệu USD tiền thuế của người dân trong việc cắt cử cảnh sát đến tòa đại sứ canh giữ Assange suốt 24/7 trong hơn hai năm qua. Theo tính toán của trang Govwaste.co.uk, số tiền trên có thể giúp chi trả hơn 8 triệu bữa ăn cho người nghèo, tiền viện phí cho 38.043 giường bệnh trong một đêm hoặc học phí cả năm cho 17.226 trẻ em ở xứ sương mù.
Giới chức Ecuador đã không bỏ qua cơ hội để chỉ trích các công tố viên Thụy Điển, theo AFP. “Nếu họ chấp nhận đề nghị thẩm vấn ông ấy của Ecuador (tại đại sứ quán) 1.000 ngày về trước thì lẽ ra chúng tôi đã tiết kiệm được mớ tiền cũng như tránh mọi rắc rối”, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino viết trên trang mạng Twitter, đồng thời giải thích rằng tính đến ngày 16.3 là tròn 1.000 ngày Assange “đóng đô” tại Đại sứ quán Ecuador. WikiLeaks cũng chỉ trích các công tố viên Thụy Điển khi đưa ra quyết định quá chậm trễ. “Đây quả là sự xúc phạm khi giới chức Thụy Điển đợi tới 4 năm rưỡi mới có quyết định trên. Toàn bộ câu chuyện pháp lý này là vết nhơ trong hồ sơ nhân quyền của Thụy Điển. Đã đến lúc giới chức nước này phải đối mặt với nó và từ bỏ luôn vụ việc”, đại diện WikiLeaks Kristinn Hrafnsson nói với AFP.
Toàn cảnh vụ Assange

- 18.11.2010: Một công tố viên Thụy Điển phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với Assange về tội tấn công tình dục 2 phụ nữ. Assange phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho biết 2 phụ nữ trên đã tình nguyện quan hệ với ông. Cùng lúc, WikiLeaks bắt đầu công bố hơn 250.000 thư tín ngoại giao mật của Mỹ, tiết lộ những đánh giá thẳng thắn của giới chức Mỹ về loạt vấn đề lớn trên toàn cầu cũng như quan điểm của các chính phủ khác.
- 7.12.2010: Assange nộp mình cho cảnh sát London và bị giam giữ để chờ Anh ra phán quyết đối với yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển. Sau đó, ông được cho tại ngoại.
- 24.2.2011: Một tòa án ở Anh ra phán quyết Assange có thể bị dẫn độ sang Thụy Điển. Tháng 11, Tòa thượng thẩm Anh bác kháng cáo chống dẫn độ của ông.
 - 19.6.2012: Assange đến Đại sứ quán Ecuador ở London xin tị nạn chính trị. Ngay sau đó, ông được chính phủ Ecuador cấp quy chế tị nạn chính trị.
- 25.10.2013: Ecuador yêu cầu Anh mở hành lang an toàn để Assange có thể bay đến Quito nhưng bị từ chối.
- 18.8.2014: Assange nói sẽ sớm rời Đại sứ quán Ecuador. Thế nhưng, luật sư của Assange nói ông chỉ đi chừng nào được đảm bảo sẽ không bị dẫn độ sang Mỹ.
- 29.10.2014: Các công tố viên Thụy Điển khẳng định không có kế hoạch sang London thẩm vấn Assange.
- 6.2.2015: WikiLeaks tiết lộ chính phủ Anh phải bỏ ra 15 triệu USD để cử cảnh sát canh gác Assange trong thời gian qua. Theo cảnh sát Anh, họ đã tiêu tốn khoảng 11.500 USD/ngày vì công dân Úc này.
- 25.2.2015: Các luật sư của Assange lại nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao Thụy Điển tìm cách hủy bỏ lệnh truy nã.
- 13.3.2015: Các công tố viên Thụy Điển đề nghị sang London thẩm vấn Assange và ông đồng ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.