Lao động ASEAN: 'nô lệ mới' trong các trang trại Hàn Quốc

30/05/2015 21:28 GMT+7

(TNO) Hàng ngàn lao động nhập cư từ các nước Đông Nam Á được các chủ người Hàn Quốc thuê làm việc trong ngành nông nghiệp. Thay vì đời sống của họ được cải thiện, lao động nhập cư trở thành “nô lệ mới” trong các trang trại này.

(TNO) Hàng ngàn lao động nhập cư từ các nước Đông Nam Á được các chủ người Hàn Quốc thuê làm việc trong ngành nông nghiệp. Nhưng thay vì đời sống của họ được cải thiện, lao động nhập cư trở thành “nô lệ mới” trong các trang trại này.

Một trang trại tại Hàn Quốc. Hầu hết lao động ở đây đều là người đến từ các nước Đông Nam Á, làm những việc người dân Hàn Quốc không muốn làm - Ảnh chụp màn hình Channel News Asia 

“Tina”, người Campuchia đến Hàn Quốc làm việc trong trang trại trồng nấm ở Cheongju, nam Seoul. Không rõ lỗi lầm gì mà người chủ chửi rủa cô thậm tệ. Chưa hả dạ, ông đuổi việc cô mà không bồi thường. Ông đẩy cô khỏi trang trại và không cho cô mang theo bất kỳ vật dụng nào của mình. “Tôi không biết phải làm gì, có nên khiếu kiện hay không. Giờ thì tôi rất sợ hãi. Tôi nhớ bố mẹ và nhớ nhà lắm”, Tina kể lại với Channel News Asia ngày 29.5.

Ngành "3D"

Vì sợ ảnh hưởng cuộc sống của cô, Tina không phải tên thật. Cô gái trẻ 23 tuổi kể vì gia đình nghèo nên mới sang Hàn Quốc làm việc. Ở quê nhà, nhiều cô gái như Tina cũng đến đây tìm việc với mong muốn đổi đời. Sau khi bị tống ra khỏi trang trại, cô không biết phải đi đâu. Cô bảo có người ở trung tâm hỗ trợ người nhập cư giúp cô đi kiện chủ trang trại đã ngược đãi người lao động, nhưng cô không dám đi vì sợ.

Ở Hàn Quốc có khoảng 250.000 lao động nhập cư đang làm việc, phần nhiều trong nông nghiệp, xây dựng và sản xuất. Họ đến từ các nước ASEAN như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, Channel News Asia cho hay.

Trong bài phóng sự điều tra hôm 29.5, Channel News Asia cho biết kinh tế Hàn Quốc phát triển cần nhiều lao động nhưng trong nước không đáp ứng đủ, đặc biệt là nông nghiệp và những lĩnh vực độc hại. Người dân Hàn Quốc không thích làm việc trong những ngành nguy hiểm, thu nhập lại thấp. Đây là cơ hội cho lao động nước ngoài từ những nước đang phát triển và dân số đông như ASEAN.

Tuy nhiên tình trạng bạc đãi, bóc lột sức lao động nhập cư trở nên phổ biến ở những ngành nghề ít được chú ý và ít người Hàn Quốc làm. The Diplomat gọi đó là ngành “3D” (dirty, dangerous and demaning: dơ bẩn, nguy hiểm và hèn hạ). Lao động nước ngoài không được tăng lương ngay cả khi làm việc ngoài giờ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt eo hẹp, chật chội và không an toàn.

Chính phủ làm ngơ?

Kim Yi-chan, luật sư tập sự xót xa khi biết những người đồng hương bạc đãi người lao động nhập cư. Anh kể người lao động nước ngoài cũng là những thân chù mà anh giúp đỡ tự nguyện, thường xuyên bị mắng chửi mỗi khi chủ không hài lòng. Họ chỉ nhận được 60% mức lương người khác với cùng công việc và thời gian, và phải ở trong những container không có nhà vệ sinh, cũng chẳng có nhà tắm.

 "Cuộc sống của họ khó khăn và không an toàn, đặc biệt phụ nữ khi sống trong những nơi không có then cài để bảo vệ họ ngày cũng như đêm", vị luật sư tập sự chia sẻ. Văn phòng làm việc của anh lúc nào cũng có đông người Campuchia đến để nhờ giúp đỡ mỗi khi bị chủ bạc đãi.

Đối với Lee, 1 người Campuchia khác, 23 tuổi, làm việc ở trang trại trồng gừng là thời kỳ kinh khủng của anh. May mắn Lee được luật sư Kim giúp đỡ và đưa anh ra khỏi trang trại đó. "Tôi phải trốn chạy cái địa ngục đó. Họ không tôn trọng người lao động, quyền của chúng tôi và cả những cam kết họ thỏa thuận", Lee nhớ lại. Cũng như Tina, Lee không phải tên thật.

Làm việc ở Hàn Quốc, một người lao động nhập cư có thể kiếm khoảng 1.000 USD/tháng, cao hơn cả chục lần so với ở nhà. Nhưng họ phải trả nhiều khoản tiền cho tuyển dụng, vé máy bay… “Nhưng khi đến Hàn Quốc, họ nhận thấy mọi thứ khác với những gì họ nghĩ, những gì họ được hứa khi tuyển dụng. Nếu không có công việc, họ sẽ không trả được nợ, và giúp đỡ gia đình”, bà Norma Muico thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế nói.

Bà Muico nói rằng điều không tin được là tình trạng này tồn tại hàng chục năm nay. Chính phủ đã không làm gì để thay đổi nó.

"Chính phủ biết nhưng chỉ động tay động chân một chút để làm yên lòng lao động nhập cư, tổ chức nhân quyền. Còn lại họ làm ngơ vì công dân của họ", bà Muico bức xúc.

Ông Pyo Daeburn, Phó giám đốc Bộ phận Lao động nước ngoài, nói giới chức nước này kiểm tra 3.000-4.000 doanh nghiệp sử dụng lao động nhập cư, phát hiện sai phạm nhưng ít xử phạt người sử dụng lao động. Ông Daeburn nói cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện 8.000 trường hợp vi phạm trong năm 2011 nhưng chỉ có 6 vụ bị khởi tố.

Uỳ ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRC) năm 2013 đưa ra báo cáo về lao động nhập cư và cảnh báo tình trạng lạm dụng nhóm lao động này. "Thay vì xem họ như người làm thuê ăn lương, giới chủ xem họ như nô lệ, mặc sức sai bảo như thời nô lệ," bà Yook Seong-cheol, điều tra viên NHRC nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.