Lằn ranh đỏ trong quan hệ Mỹ - Trung

19/05/2015 07:55 GMT+7

Ngưỡng giới hạn Mỹ đặt ra cho Trung Quốc là không được lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Ngưỡng giới hạn Mỹ đặt ra cho Trung Quốc là không được lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt phi pháp trong vùng biển VN năm 2014 - Ảnh: Độc Lập
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt phi pháp trong vùng biển VN năm 2014
 - Ảnh: Độc Lập
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kết thúc chuyến thăm hai ngày đến Trung Quốc vào ngày 17.5 với cuộc hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo đó, sau khi nhận định quan hệ song phương vẫn “ổn định”, ông Tập đề nghị: “Hai bên quản lý, kiểm soát và xử lý theo cách thích hợp để hướng chung của quan hệ song phương không bị ảnh hưởng”.
Nhận định về chuyến thăm của ông Kerry, Giáo sư Dennis McCornac (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Điều không thể bác bỏ là Mỹ -Trung đều có những ràng buộc kinh tế mật thiết với nhau, và một cuộc xung đột quân sự sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho cả hai. Tuy vậy, Ngoại trưởng Kerry cũng đã có những lời lẽ cứng rắn cần thiết đối với tự do hàng hải trên Biển Đông”.
Giới quan sát đã đưa ra một số nhận định về việc những động thái gần đây của Mỹ có ảnh hưởng thế nào đối với các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) nói: “Không gì có thể khiến Trung Quốc ngừng các hoạt động xây đảo của mình lại. Nhưng việc Lầu Năm Góc có kế hoạch điều tàu chiến, máy bay đến Trường Sa sẽ khiến Trung Quốc chùn chân trong việc triển khai ADIZ trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ, Biển Đông sẽ càng dậy sóng và biến mối lo lớn nhất của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á thành sự thật: Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông và đe dọa tự do hàng hải tại khu vực này”.
Ông Valencia kết luận: “Quả thực, Mỹ đã đặt ra “lằn ranh đỏ” cho các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông: không được tuyên bố ADIZ. Ngay cả nếu khi Bắc Kinh tuyên bố ADIZ mà không thực thi, động thái này cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào trật tự thế giới. Khu vực này đã có quá nhiều rủi ro bùng nổ xung đột. Việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ sẽ là giọt nước làm tràn ly, phá vỡ hòa bình và ổn định trong khu vực”.
“Trung Quốc chỉ có thể  tự trách mình”
Sau khi có thông tin Mỹ cân nhắc điều tàu chiến và máy bay đến Trường Sa, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Từ Bộ Ngoại giao cho đến báo chí nước này đều liên tục lên án hành vi này của Mỹ và gọi Washington mới chính là kẻ làm rối thêm tình hình hiện nay ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính Bắc Kinh đã tự đẩy mình vào tình thế càng ngày càng bị cô lập như thế. Tiến sĩ Zachary Abuza (Mỹ) nhận định: “Một năm sau khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển VN và tiếp tục có những hoạt động phi pháp tại Trường Sa, có lẽ điều khiến Bắc Kinh ít ngờ tới nhất chính là những động thái này của họ đang đẩy các nước láng giềng yếu thế hơn ngày càng hoan nghênh Mỹ, Nhật Bản tăng cường hiện diện trong khu vực. Bắc Kinh càng muốn đẩy Mỹ ra khỏi châu Á - Thái Bình Dương bao nhiêu thì Washington lại tăng cường hiện diện tại khu vực bấy nhiêu. Trung Quốc đang tự đẩy mình vào thế bị cô lập và họ chỉ có thể tự trách mình”.
Nhận định về thông tin Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Hải Dương-981 ra hoạt động tại Biển Đông, ông Abuza nói: “Bắc Kinh đang tiếp tục cậy đến công cụ này để khẳng định cái gọi là chủ quyền di động của mình trên Biển Đông. Có lẽ Trung Quốc đang dần dần tiếp tục đẩy tình hình thêm căng thẳng. Tuy nhiên, việc có thể kết luận Trung Quốc đang gây hấn hay không hoàn toàn lệ thuộc vào vị trí của giàn khoan. Trong thời gian ngắn hạn, có thể giàn khoan vẫn sẽ ở vị trí an toàn. Nhưng nên nhớ, cái gọi là “ngắn hạn” của Trung Quốc rất mong manh. Chỉ cần nhìn quy mô xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa trong “thời gian ngắn hạn” thì sẽ hiểu ngay họ khó lường đến mức nào”.
Lại nhân danh “nghĩa vụ quốc tế”
Biện hộ cho lệnh cấm đánh cá phi lý trên Biển Đông của mình, Trung Quốc lại tiếp tục cậy nhờ tới một luận điểm phi lý khác: nghĩa vụ quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo ngày 18.5 rằng lệnh cấm đánh cá nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và Bắc Kinh có “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế” thực hiện trọng trách này.
Tiến sĩ Zachary Abuza (Mỹ) cho rằng đây là một sự ngụy biện khác từ Bắc Kinh: “Trung Quốc đang lạm dụng quá mức luận điểm “nghĩa vụ quốc tế” để biện minh cho các hành vi của mình, khi mà mọi hành động của họ đều đang được tiến hành đơn phương. Nếu Trung Quốc thực sự quan ngại về môi trường, hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển, động thái thiết thực nhất cần làm lúc này là ngừng ngay các hoạt động xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Chính những hoạt động xây dựng đó mới đang làm tổn hại ghê gớm đối với hệ sinh thái và môi trường biển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.