Kinh tế Mỹ đang “bệnh nặng”

06/01/2009 11:29 GMT+7

(TNO) Đó là “chẩn đoán” đưa ra vào hôm qua (5.1) của “bác sĩ” Barack Obama, người sẽ trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ trong vòng hai tuần lễ nữa. Bi quan hơn, ông còn cho rằng tình hình "bệnh tật" sẽ còn trở nặng hơn nữa trong thời gian tới.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Obama có buổi thảo luận chính thức đầu tiên với các chính khách hàng đầu của Mỹ kể từ sau chiến thắng lịch sử hôm 4.11 vừa qua. Ông đã gặp các lãnh đạo của Quốc hội để bàn về kế hoạch kích thích nền kinh tế cũng như tạo thêm công ăn việc làm.

 

Ông Obama sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào 20.1 này - Ảnh: Reuters

Báo chí Mỹ đưa tin rằng ông Obama đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ kinh tế trị giá đến 800 tỉ USD, trong đó có 300 tỉ USD cắt giảm thuế khóa.

Ngoài ra, Obama cũng đã từng nói đến tham vọng tạo ra 3 triệu công ăn việc làm cho đến hết năm 2011.

BBC đưa tin dự kiến vào thứ sáu này, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo về tình trạng thất nghiệp của nước Mỹ. Giới chuyên môn cho rằng con số này có thể tăng hơn khoảng 500.000 người, tức là tổng số người Mỹ mất việc trong năm 2008 vào khoảng 2,5 triệu.

Trọng tâm trong chương trình kích thích kinh tế của Tổng thống tân cử Obama là bơm hàng trăm tỉ USD vào nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm. Việc cắt giảm thuế khóa và giảm chi tiêu của chính phủ có thể lập tức đẩy nền kinh tế đi lên.

Tuy nhiên, trong kế hoạch của Obama cũng có những khoản tiền có thể sẽ chưa được thực sự sử dụng trong nhiều năm, chẳng hạn như chương trình xây dựng lại mạng lưới điện cũng như chi hàng tỉ USD để mua máy tính và phần mềm cho lĩnh vực y tế công.

Theo BBC, một số chính trị gia Cộng hòa chỉ trích rằng kế hoạch của đảng Dân chủ đơn giản chỉ là dùng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay để đặt tiền vào các dự án lâu dài ngay từ bây giờ, thay vì bắt đầu đầu tư trong vài năm nữa, khi mối lo ngại về tình trạng thâm thủng ngân sách lên tới mức kỷ lục có thể đe dọa các quyết định chi tiêu của chính phủ.

Tới giờ phút này, Obama cũng vẫn trung thành với nguyên tắc “xài hay là mất” để gây sức ép với các tiểu bang, các bộ ngành phải tận dụng khoản tiền cứu trợ của chính phủ liên bang để nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế đi tới.

Tuy nhiên, có không ít lo ngại rằng sức ép trên sẽ khiến các chính trị gia địa phương mau chóng chọn các dự án có thể triển khai ngay từ bây giờ, thay vì đặt tiền vào các kế hoạch hay ho hơn nhưng phải tốn nhiều thời gian mới triển khai được.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.